TS.BS ĐỖ MINH HÙNG VÀ CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH SỰ SỐNG CHO BỆNH NHÂN TRONG PHÒNG MỔ
Tiếng nhạc Trịnh nhè nhẹ giữa không gian phòng mổ, Tiến sĩ Đỗ Minh Hùng xem đó là “vũ khí” đồng hành trong mỗi “trận chiến” lớn nhỏ.
Trên bàn phẫu thuật, sau khi tiến hành gây mê và đặt ống nội khí quản, bệnh nhân khép dần mắt. Không thể nói, tất cả hy vọng của bệnh nhân gửi vào ánh mắt dành cho bác sĩ Hùng trước khi chìm vào giấc ngủ do tác dụng của thuốc mê.
“Động lực và cũng là điều ám ảnh nhất trong đời phẫu thuật viên là những ánh mắt của bệnh nhân”, bác sĩ Hùng trải lòng.
Khi người bệnh ngủ yên, người thân đang âu lo ngóng vọng bên ngoài cánh cửa phòng mổ, bác sĩ phẫu thuật bắt đầu bước vào trận chiến với niềm tin sống còn trao trọn. Một chút sơ sẩy, một đường dao run cũng có thể dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn.
Có những trận chiến nhẹ nhàng. Có những trận chiến khốc liệt kéo dài mà đến lúc buông dao mổ, bác sĩ mới kịp thở phào nhận ra mình vừa tự bước qua những giới hạn tưởng chừng bản thân không thể vượt.
25 năm cầm dao với hơn 1000 ca mổ, bác sĩ Hùng vẫn luôn trong tâm thế của một người học võ thiếu lâm. Theo anh, ít nhất phải bỏ ra 10 năm đầu để “đứng tấn”, làm quen với các kỹ thuật cơ bản. Sau đó là rất nhiều những công pháp phức tạp đòi hỏi quá trình khổ luyện không ngừng.
“Lúc đầu nếu sai một chút sẽ trở thành cái lệ rất khó sửa về sau nên muốn theo đường dài, phải thận trọng từng bước nhỏ”, bác sĩ Hùng tâm niệm. Không chỉ cần nắm vững lý thuyết, ngành ngoại khoa đòi hỏi bác sĩ rất nhiều ở kỹ năng thực hành, phải trực tiếp “xông pha trận mạc” mới rèn được tay nghề. Từ cách rạch da cho đến đường kim khâu, kẹp cắt, bóc tách… đều đòi hỏi nét tài hoa lẫn sự khổ luyện của mỗi phẫu thuật viên.
Đời mổ xẻ đối diện vô vàn hạnh phúc lẫn đau khổ, có những lúc như đứng giữa vực thẳm của cảm xúc, bác sĩ Hùng vẫn kiên định: “Nếu chọn lại tôi vẫn chọn ngoại tổng quát, nó ăn vào máu rồi”. Từ chàng sinh viên y khoa hăm hở đứng nhìn từng ca mổ cho đến vị tiến sĩ trưởng khoa đứng mũi chịu sào trong những quyết định lớn, anh chưa bao giờ vơi bớt niềm say mê nghề.
Tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM năm 1994, bác sĩ Hùng được tôi luyện trong môi trường ngoại khoa hàng đầu miền Nam tại Bệnh viện Bình Dân. Trưởng thành nơi có nhiều người thầy và đàn anh giỏi nghề, bác sĩ Hùng lao vào học hỏi và nhanh chóng ghi dấu ấn với nhiều ca mổ lớn về tiêu hoá, gan mật, những ca ung thư phức tạp. Khẳng định tay nghề ở lĩnh vực mổ nội soi, anh được mời đi chia sẻ kinh nghiệm, giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở cả trong lẫn ngoài nước.
Hiện đứng đầu khoa Ngoại Tổng quát tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH (Q2, TP.HCM), Tiến sĩ - Bác sĩ Hùng vẫn luôn miệt mài với cuộc chiến sinh tử trên bàn mổ và tạo dựng niềm tin vững chắc nơi bệnh nhân với giọng hào sảng và nụ cười thân thiện.
Trong điều trị bệnh nhân, anh luôn tự nhủ phải cố gắng làm những gì tốt nhất có thể. Tốt nhất đôi khi là quyết tâm đi đến cùng, lao vào chỗ chết để cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá. Tốt nhất nhiều lúc còn ở chỗ phải biết dừng lại kịp thời. Anh vẫn thường dặn dò thế hệ đàn em nên biết tiến và lùi đúng lúc. Có những ca ung thư, bác sĩ phải cân não giữa việc tiếp tục phẫu thuật, hoá xạ trị hay chỉ nên đưa bệnh nhân sang chăm sóc giảm nhẹ cuối đời.
Không ít trường hợp, quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân tức là bác sĩ đang đặt cược bản thân vào chỗ sinh – tử trong nghề nghiệp chính mình. Nếu bệnh nhân có mệnh hệ nào, bác sĩ phải đối diện với vô vàn áp lực từ cấp trên, từ đồng nghiệp, gia đình người bệnh cũng như từ chính những tranh đấu, dằn vặt nội tâm.
Một phút ngơi tay sau cuộc chiến sinh tử, Bác sĩ Đỗ Minh Hùng vẫn theo dõi ekip chăm sóc bệnh nhân trong phòng mổ.
“Lúc trước khi mổ ung thư thực quản, với ý định đổi bệnh nhân từ tư thế nằm nghiêng sang nằm sấp để tăng hiệu quả phẫu thuật, tôi vấp phải nhiều phản đối của các thầy”, bác sĩ Hùng nhớ lại. Kiên trì chuẩn bị, thuyết phục bác sĩ gây mê cùng phối hợp, bác sĩ Hùng đã thực hiện thành công. Với anh, trong nhiều tình huống, nếu không mạnh dạn ra biển lớn thì người bác sĩ chỉ mãi quẩn quanh trong ao làng, không thể làm được những điều tốt hơn cho bệnh nhân.
Nghề y chứng kiến sinh tử thường trực, bác sĩ không thể rơi nước mắt hoài nên ít nhiều dần trở nên chai sạn. “Tuy nhiên điều cần thiết là phải luôn có lòng trắc ẩn”, bác sĩ Hùng chia sẻ. Nếu không biết đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, đau đáu nỗi đau của bệnh nhân, người bác sĩ khó đi trọn vẹn với nghề.
Tiếng nhạc Trịnh vẫn ngày ngày bầu bạn cùng bác sĩ Hùng trong mỗi cuộc mổ. Bởi, “bác sĩ ngoại khoa kỳ thực rất cô đơn, nhìn bề ngoài tay dao tay kéo rất mạnh mẽ, lúc nào cũng vui vẻ động viên bệnh nhân nhưng nhiều lúc chỉ biết tự ngồi lại với chính mình, không phải ai cũng hiểu để chia sẻ mọi thứ”, bác sĩ Hùng trầm giọng.
Tác giả: Thủy Lê
Nguồn: danviet.vn, 17/04/2019