THEO DÕI SAU PHẪU THUẬT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG (CRC)
Phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị chính cho 80% CRC không di căn và công cụ mạnh nhất để đánh giá tiên lượng là phân tích mô bệnh học của đoạn đại trực tràng được cắt bỏ. Mặc dù khả năng phẫu thuật tiệt căn (chữa khỏi bệnh) và sử dụng hóa trị và / hoặc xạ trị hổ trợ, hơn 40% bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn II hoặc III sẽ bị tái phát bệnh sau khi điều trị.
Mục tiêu theo dõi
Mục tiêu của việc theo dõi là cải thiện tiên lượng của bệnh nhân bằng cách phát hiện sớm và điều trị bệnh tái phát. Do đó, việc theo dõi được tiến hành đối với những bệnh nhân có thể được điều trị khi phát hiện bệnh tái phát.
Tỷ lệ tái phát, vị trí tái phát, thời gian tái phát
Số liệu từ Hội ung thư đại trực tràng Nhật bản (JSCCR), tổng số 5.103 bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng vào năm 2007 tại 71 cơ sở y tế với thời gian theo dõi trung bình là 6 năm cho thấy:
Thời gian tái phát
Hơn 85% các trường hợp tái phát được phát hiện trong vòng 3 năm sau phẫu thuật, và hơn 95% các trường hợp tái phát được phát hiện trong vòng 5 năm sau phẫu thuật.
Tỷ lệ tái phát chung sau 5 năm sau phẫu thuật là < 1%.
Sự xuất hiện của tái phát ở phổi có xu hướng chậm hơn so với sự xuất hiện của di căn gan.
Vị trí của các lần tái phát
Tái phát tại chỗ và ở phổi thường gặp ở ung thư trực tràng hơn ung thư đại tràng. Ngược lại, tái phát phúc mạc ở ung thư đại tràng thường gặp hơn ung thư trực tràng.
Đặc điểm của tái phát theo giai đoạn sau mổ
Giai đoạn I
Tỷ lệ tái phát của ung thư đại tràng là 4,4% và ung thư trực tràng là 7,4%.
Tỷ lệ tái phát của ung thư dưới niêm mạc (pT1, được xác định sau mổ bằng giải phẫu bệnh học) là 4% và ung thư xâm lấn tới lớp cơ (pT2) là 7,3%.
Các trường hợp ở giai đoạn I sau mổ, tỉ lệ tái phát chậm hơn so với trường hợp giai đoạn II và III, tỉ lệ tái phát xuất hiện sau 5 năm > 8% số bệnh nhân bị tái phát. Trong số tất cả các trường hợp giai đoạn I, tỷ lệ bệnh nhân bị tái phát sau 5 năm < 0,5%.
Giai đoạn II, III
Tỷ lệ tái phát của giai đoạn II là 15% và giai đoạn III là 31,8%.
Sự tái phát được phát hiện trong vòng 3 năm sau phẫu thuật > 85% bệnh nhân bệnh tái phát.
Tỷ lệ tái phát trên 5 năm sau phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn II là 0,3% và giai đoạn III là 1,1%.
Thuật ngữ
Khả năng điều trị tiệt căn (chữa khỏi) trong điều trị phẫu thuật được đánh giá toàn diện trên cơ sở các phát hiện lâm sàng, phẫu thuật và mô bệnh học.
Sót u sau phẫu thuật (R)
Rx: Không thể đánh giá sót sang thương ác tính
R0: Không sót sang thương ác tính
R1: Sót sang thương ác tính trên mô bệnh học ở mặt cắt
R2: Sót sang thương ác tính thấy được trên đại thể (nhìn bằng mắt thường)
Mức độ phẫu thuật cắt bỏ tiệt căn (chữa khỏi: Cur)
CurX: Không thể đánh giá mức độ chữa khỏi
CurA: Không có bất kỳ di căn xa nào, và không có bất kỳ tế bào bướu nào còn sót ở các bờ cắt xa, gần và ngang trên mô bệnh học sau mổ.
CurB: Không thuộc CurA hoặc CurC
CurC: Còn sót bướu thấy được trên đại thể, tức thấy được bằng mắt thường
Theo dõi sau phẫu thuật
Theo dõi tái phát sau Phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng tiệt căn mức độ A.
Nên xem xét kiểm tra nội soi định kỳ để phát hiện tái phát tại vị trí cắt bỏ tại chỗ hoặc ở miệng nối trong các trường hợp ung thư ở giai đoạn 0 (ung thư pTis: sang thương ung thư chỉ ở niêm mạc). Theo dõi tái phát tới các cơ quan khác là không cần thiết.
Các trường hợp được xác định sau mổ là ung thư từ giai đoạn I – III cần được khảo sát xem có tái phát ở gan, phổi, tại chỗ, miệng nối, hạch, phúc mạc,…
Cần lưu ý những điểm sau:
• Về nguyên tắc, thời gian theo dõi là 5 năm và các đợt kiểm tra nên được lên lịch với khoảng thời gian sát hơn trong 3 năm đầu sau phẫu thuật.
• Cần lưu ý rằng tỷ lệ di căn phổi và tái phát tại chỗ trong ung thư trực tràng cao hơn so với ung thư đại tràng.
• Có sự khác nhau ở mỗi hướng dẫn theo dõi của các tổ chức y tế các nước. Dưới đây là lịch trình theo dõi sau khi phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng giai đoạn I đến giai đoạn III được thiết kế trên cơ sở kết quả của một cuộc điều tra hồi cứu về các yếu tố như cơ địa phổ biến và tỷ lệ tái phát, hiệu quả điều trị, và thực hành lâm sàng ở Nhật Bản mà chúng ta có thể áp dụng.
Theo dõi sau Phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng tiệt căn mức độ B và sau khi cắt bỏ các khối u tái phát.
Theo dõi tương tự như đối với ung thư đại trực tràng giai đoạn III. Cần lưu ý rằng tình trạng tái phát và tái phát sau tái phát thường gặp ở các cơ quan đã phẫu thuật trước đó. Cũng cần lưu ý rằng tần suất tái phát sau 5 năm là tương đối cao.
Trong các trường hợp được định rõ là khả năng chữa khỏi mức độ B do cắt bỏ R1, nên lập kế hoạch theo dõi chặt chẽ cho các cơ quan nghi ngờ ung thư còn sót lại
Theo dõi ung thư mới xuất hiện ở đại tràng còn lại
Nội soi đại tràng được thực hiện để theo dõi ung thư mới xuất hiện ở đại trực tràng còn lại.
Tóm lại
Mục đích của việc theo dõi sau khi điều trị dứt điểm ung thư đại trực tràng là xác định sớm những bệnh nhân có thể được chữa khỏi bằng cách can thiệp phẫu thuật thêm và để tầm soát các bệnh ung thư và polyp nguyên phát thứ hai.
Chẩn đoán sớm tái phát khi chưa có triệu chứng làm tăng khả năng phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn nếu xác định được bệnh tái phát có khả năng tái phát.
12/4/2021
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG