3 năm trước 355

CÁC PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Tầm soát có nghĩa là tìm kiếm polyp hoặc ung thư khi bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng gì. Phát hiện ung thư đại trực tràng trước khi xuất hiện triệu chứng cải thiện đáng kể cơ hội sống còn.

TẦM SOÁT MỘT BƯỚC
Tầm soát một bước tức là chỉ cần thực hiện một phương pháp

NỘI SOI ĐẠI TRÀNG
Nội soi đại tràng là thủ thuật tiêu hóa được thực hiện phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nó không chỉ cho phép phát hiện ung thư giai đoạn sớm mà còn phát hiện, loại bỏ các polyp và đảm bảo lâu dài khỏi tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng (CRC).
Trong số các phương tiện tầm soát, nội soi đại tràng có độ nhạy cao nhất đối với CRC và polyp tuyến, cho phép loại bỏ tổn thương ở bất kỳ vị trí nào trong đại tràng trong cùng một lần soi với khả năng phát hiện và loại bò polyps tuyến trước khi chuyển thành ác tính. Cần đạt được nội soi chất lượng cao để đảm bảo giá trị tầm soát (xem bài nội soi đại tràng, theo dõi sau nội soi đại tràng có hoặc không có cắt polyp)

CÁC PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT HAI BƯỚC
Tầm soát 2 bước là cần làm thêm phương pháp khác nếu kết quả dương tính

XÉT NGHIỆM PHÂN
Tìm máu ẩn trong phân bằng xét nghiệm hóa miễn dịch (Fecal immunochemical testing: FIT): là xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT) có sử dụng kháng thể Hemoglobin của người, vì thế có độ nhạy và đặc hiệu cao hơn xét nghiệm FOBT thông thường.
Khuyến cáo thực hiện FIT để tầm soát hàng năm trên một mẫu duy nhất cho những bệnh nhân không thể hoặc không muốn nội soi đại tràng ngay từ đầu hoặc khi khả năng nội soi đại tràng bị hạn chế, với hiểu biết rằng nếu kết quả FIT dương tính, nội soi cần được thực hiện kịp thời để tìm nguyên nhân.
So với nội soi đại tràng, FIT hai năm một lần có tỷ lệ phát hiện CRC tương tự nhưng tỷ lệ phát hiện u tuyến tiến triển thấp hơn. Tuy nhiên, so với xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT), FIT có độ nhạy cao hơn mà không làm mất độ đặc hiệu cũng như phát hiện tốt hơn các u tuyến tiến triển. Xét nghiệm này không cần thay đổi chế độ ăn uống trước khi lấy mẫu và chỉ cần thực hiện xét nghiệm trên một mẫu phân ngẫu nhiên.

Xét nghiệm tìm DNA trong phân (Multitarget stool DNA testing: MT-sDNA), còn được gọi là FIT-DNA và DNA phân đa mục tiêu, tìm sự kết hợp các dấu ấn cho hemoglobin và đột biến DNA và methyl hóa có trong tế bào ung thư đại trực tràng.
Là một phương pháp mới, không xâm hại, dùng để tìm ung thư đại trực tràng cho những người muốn được tầm soát mà không muốn soi đại tràng… Có thể giúp phát hiện bệnh sớm trước khi có triệu chứng. Sau khi phát hiện ung thư hay tiền ung thư, cần tiến hành tiếp nội soi đại tràng để chứng thực ung thư và có thể cắt bỏ các polyp.  Nó có sẵn dưới dạng Cologuard ở Hoa Kỳ. Thử nghiệm được thực hiện ba năm một lần trên một mẫu thu thập phân.
Xét nghiệm MT-sDNA có độ nhạy một ứng dụng cao hơn và độ đặc hiệu thấp hơn FIT đối với CRC và các tổn thương tiền ung thư tiến triển, nhưng nó đắt hơn FIT. Xét nghiệm này không yêu cầu bệnh nhân có chế độ ăn đặc biệt nào. Bệnh nhân chỉ lần lấy mẫu một lần.

NỘI SOI ĐẠI TRÀNG SIGMA Tỷ lệ tầm soát bằng nội soi đại tràng sigma ống mềm đã giảm vì nó tương tự như nội soi đại tràng nhưng không kiểm tra toàn bộ đại tràng mà chỉ lên một đoạn khoảng 60cm. Điều này có thể có vấn đề ở phụ nữ và bệnh nhân lớn tuổi vì họ có tần suất tổn thương ở đoạn gần của đại tràng nhiều hơn. Quá trình soi cũng không gây mê nên không thoải mái và khi phát hiện u tuyến cũng được yêu cầu nội soi đại tràng.

CÁC XÉT NGHIỆM HÌNH ẢNH THAY THẾ CHO NHỮNG CÁ NHÂN TỪ CHỐI, KHÔNG CHỊU ĐƯỢC NỘI SOI ĐẠI TRÀNG HOẶC FIT
Chụp cắt lớp vi tính đại tràng (Computed tomography colonography: CTC), trước đây được gọi là “nội soi đại tràng ảo” như một lựa chọn khác. CTC được thực hiện năm năm một lần. CTC có độ nhạy cao hơn bất kỳ xét nghiệm nào khác ngoài nội soi đại tràng để phát hiện polyp tuyến, mặc dù dữ liệu còn hạn chế. Bệnh nhân nên hiểu rằng nếu CTC gợi ý đến polyp hoặc CRC, cần phải nội soi đại tràng kịp thời để đánh giá.
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh kèm theo (ví dụ, bệnh tim phổi, đái tháo đường, hoặc tiền sử đột quỵ), CTC có thể được ưu tiên hơn nội soi đại tràng, vì rủi ro của nội soi đại tràng tăng lên theo tuổi. Tuy nhiên, những bệnh nhân có phát hiện bất thường trên CTC nên tiến hành nội soi. Vì vậy, bệnh nhân lựa chọn CTC cũng nên là đối tượng có thể chịu  được nội soi đại tràng.

Nội soi đại tràng viên nang Nội soi đại tràng bằng viên nang 5 năm một lần được đưa vào hướng dẫn MSTF (The US Multi-Society Task Force) như một lựa chọn bậc ba, mặc dù nó không nằm trong số các xét nghiệm có trong một số hướng dẫn sàng lọc khác.
Trong phương pháp này, bệnh nhân nuốt một viên nang có chứa các máy quay video siêu nhỏ. Cần chuẩn bị phân, tuy nhiên, thuốc an thần là không cần thiết. Tại Hoa Kỳ, xét nghiệm này không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) chấp thuận như một phương pháp sàng lọc độc lập cho CRC, nhưng nó được chấp thuận như một lựa chọn cho những bệnh nhân có nội soi đại tràng không hoàn chỉnh.

BẢNG SO SÁNH CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Đặc điểm

Ưu điểm

Hạn chế

Xét nghiệm phân

FIT (ngưỡng 20mg/g phân)

Độ nhạy 79%, độ đặc hiệu 94%

Không xâm lấn

Không có nguy cơ biến chứng

Có thể làm tại nhà

Có thể tầm soát theo chương trình

Kết quả (+) cần nội soi

Cần được lặp lại hàng năm

Độ nhạy thấp đối với các u tuyến tiến triển

Không phát hiện các sang thương răng cưa

Xét nghiệm tìm DNA trong phân

Độ nhạy 79%, độ đặc hiệu 94%

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong CRC trong thời gian dài chưa được biết

Không xâm lấn

Không có nguy cơ biến chứng

Có thể làm tại nhà

Độ nhạy tốt hơn đối với các u tuyến tiến triển và các sang thương răng cưa lớn so với chỉ làm FIT

Kết quả (+) cần nội soi

Khoảng thời gian lặp lại không xác định nhưng đề xuất 3 năm

Đắt hơn FIT

Lo lắng về sự quá tải và tác hại khi xét nghiệm (+) giả mà nội soi (-)

Phương pháp hình ảnh

Nội soi đại tràng

100% tỷ lệ phát hiện CRC. Tỷ lệ báo cáo PCCRC (ung thư đại trực tràng sau nội soi)  3% –9%

Giảm tỷ lệ mắc CRC trong thời gian dài 31% –71% và tỷ lệ tử vong do CRC 65% –88% từ các nghiên cứu quan sát

Chẩn đoán và điều trị

Có thể phát hiện ung thư và polyp tiền ung thư

Khoảng thời gian lặp lại không thường xuyên, có thể là10 năm

Phụ thuộc người nội soi

Cần chuẩn bị ruột và an thần

Nguy cơ biến chứng 4-8/10.000 người

Nội soi đại tràng sigma

Độ nhạy 90% –100% đối với CRC đại tràng đoạn thấp

Giảm tỷ lệ mắc CRC trong dài hạn 21%; giảm tỷ lệ tử vong do CRC 26%

Ít xâm lấn hơn nội soi đại tràng

Nguy cơ biến chứng thấp

Kết quả (+) cần nội soi đại tràng

Cần được lặp lại 5–10 năm một lần

Cầu chuẩn bị ruột

Chụp cắt lớp vi tính đại tràng

90%–100% cho CRC

Độ nhạy thay đổi đối với polyp, độ nhạy kém đối với tổn thương phẳng và tổn thương răng cưa không cuống

Ít xâm lấn hơn nội soi đại tràng

Không cần dùng thuốc an thần

Nguy cơ biến chứng thấp hơn nội soi đại tràng

Kết quả (+) cần nội soi

Yêu cầu chuẩn bị ruột

Chướng khí ruột có thể gây khó chịu

Có thể cho kết quả (+) giả

Sử dụng tia xạ

Không phát hiện được các polyp nhỏ

Cần theo dõi đối với các phát hiện ngoài đại tràng

Sự hạn chế của các bác sĩ X quang được đào tạo

Nội soi đại tràng viên nang

Độ nhạy 81% và độ đặc hiệu 93% đối với polyp  6 mm

Xâm lấn tối thiểu

Không cần dùng thuốc an thần

Các xét nghiệm thế hệ mới hơn có thể được thực hiện tại nhà

Yêu cầu chuẩn bị ruột

Kết quả (+) cần nội soi

Khoảng thời gian lặp lại không xác định

Tham khảo từ nguồn ACG Clinical Guidelines: Colorectal Cancer Screening 2021

CÁC XÉT NGHIỆM KÉM VÀ KHÔNG HIỆU QUẢ
Một số xét nghiệm, bao gồm cả một số xét nghiệm đã được sử dụng trước đây, không được đề xuất để tầm soát vì các xét nghiệm này có độ chính xác thấp hơn so với những xét nghiệm được khuyến cáo.
XÉT NGHIỆM TÌM DNA SEPTIN9 METHYL HÓA (XÉT NGHIỆM EPI PROCOLON)
Đây là một xét nghiệm máu để phát hiện DNA septin 9, được siêu methyl hóa có trong CRC nhưng không có trong mô đại tràng bình thường, được FDA chấp thuận để hỗ trợ phát hiện CRC ở những bệnh nhân có nguy cơ trung bình từ 50 tuổi từ chối tầm soát bằng các phương pháp khác tầm soát khác. Do độ nhạy thấp (75%) và thiếu dữ liệu so sánh, xét nghiệm không được coi là phương thức sàng lọc tối ưu tại thời điểm này.

CÁC XÉT NGHIỆM KHÔNG CÒN ĐƯỢC KHUYẾN CÁO
. gFOBT (tìm máu ẩn trong phân bằng giấp guaiac) có độ nhạy thấp đối với polyp tiến triển hoặc CRC
. Đại tràng cản quang (tương phản hoặc đối quang kép) với độ nhạy và độ đặc hiệu hạn chế và tính khả dụng thấp.
. Carcinoembryonic antigen (CEA), một chất chỉ điểm khối u có thể được sử dụng để theo dõi bệnh nhân bị CRC, không phải là một xét nghiệm tầm soát hữu ích cho CRC

29/3/2021
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG