3 năm trước 745

HƯỚNG DẪN TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG (CRC)

Tầm soát ung thư đại trực tràng nếu được thực hiện toàn cầu sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong của bệnh một cách đáng kể. Tại nước ta vẫn chưa có một hướng dẫn tầm soát cụ thể.
Theo hướng dẫn tầm soát ung thư đại trực tràng của Hoa kỳ, các đối tượng có yếu tố nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư đại trực tràng được khuyến cáo.
Một phương pháp tầm soát lý tưởng nên không xâm lấn, độ nhạy và độ đặc hiệu cao, an toàn, sẵn có, tiện lợi, không đắt tiền. Không có đủ bằng chứng để nói phương pháp tầm soát nào là tốt nhất nhưng nội soi đại tràng là phương pháp tầm soát 1 bước, hiệu quả và triệt để nhất (xem “Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng”).
Tầm soát được thực hiện ở nhóm đối tượng nguy cơ trung bình và cao.

ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ TRUNG BÌNH
Người lớn có nguy cơ trung bình là những người từ 45 tuổi không có triệu chứng (những triệu chứng liên quan với ung thư đại trực tràng như đầy hơi, đau quặn bụng, thay đổi thói quen đi cầu, phân dẹt, phân có máu,…) và không có tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng (tức là không có người thân kế cận bị ảnh hưởng như anh chị em, cha mẹ, hoặc con cái).
     Khuyến cáo tầm soát cho đối tượng 50-75 tuổi trong nhóm nguy cơ trung bình mức khuyến cao mạnh, mức độ chứng cứ trung bình.
     Đề xuất tầm soát cho đối tượng 45-49 tuổi trong nhóm nguy cơ trung bình với mức độ chứng cứ rất thấp.

Các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh tỷ lệ mắc CRC ngày càng tăng ở những người dưới 50 tuổi ở Hoa Kỳ. Mặc dù tỷ lệ mắc CRC tiếp tục giảm ở những người từ 50 tuổi trở lên, tỷ lệ mắc bệnh đã tăng gấp đôi ở những người từ 20 đến 49 tuổi. Tại Việt nam, chúng tôi cũng ngày càng gặp nhiều bệnh nhân trẻ mắc ung thư đại trực tràng.
Lợi thế của việc bắt đầu sàng lọc ở tuổi 45 thay vì 50 tuổi bao gồm giảm nguy cơ CRC do phát hiện sớm CRC ở nhóm tuổi này. Theo thời gian, việc phát hiện và cắt bỏ polyp ở những người từ 45–49 tuổi sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh CRC ở những người từ 50 tuổi trở lên. Ngoài ra, ngăn ngừa CRC trẻ là một mục tiêu mong muốn vì tác động xã hội của tử vong CRC ở người trẻ là đặc biệt nghiêm trọng
     Đề xuất tầm soát cho đối tượng trên 75 tuổi trong nhóm nguy cơ trung bình được cá thể hóa với mức độ chứng cứ rất thấp.
Những người có sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ trên 10 năm nên tiếp tục tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ sau 75 tuổi.

Người lớn có nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm sót ung thư đại trực tràng với một trong các phương pháp sau:
    Khuyến cáo nội soi đại tràng và xét nghiệm hóa miễn dịch tìm máu ẩn trong phân (FIT) là phương thức chính để tầm soát CRC (khuyến cáo mạnh, mức độ chứng cứ thấp)            
    Nội soi đại tràng mỗi 10 năm (khuyến cáo mạnh, mức độ chứng cứ thấp)
    Tìm máu ẩn trong phân bằng phương pháp hóa miễn dịch (FIT) mỗi năm (nội soi đại tràng là cần thiết nếu kết quả dương tính) (khuyến cáo mạnh, mức độ chứng cứ thấp)
   
     Đề xuất nên xem xét các xét nghiệm tầm soát sau đây cho những người không thể hoặc không muốn trải qua nội soi đại tràng hoặc FIT: nội soi đại tràng sigma mỗi 5-10 năm, xét nghiệm tìm DNA trong phân 3-5 năm, chụp cắt lớp vi tính đại tràng hoặc nội soi đại tràng viên nang mỗi 5 năm (mức độ chứng cứ rất thấp)

ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ CAO
Người có yếu tố nguy cơ cao với ung thư đại trực tràng bao gồm:
Tiền sử gia đình của hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền. Khoảng 5% bệnh ung thư đại tràng ở Mỹ là do hội chứng ung thư đại tràng di truyền. Khoảng 90 – 100% bệnh nhân đã được thừa hưởng một trong những hội chứng di truyền có nguy cơ rất cao mắc bệnh ung thư đại tràng. Đề xuất đánh giá di truyền đối với các hội chứng ung thư đại tràng di truyền, một khi hội chứng được nghi ngờ trong một gia đình (mức độ chứng cứ rất thấp). Các hội chứng ung thư di truyền thường gặp: (xem “Hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền”)
     Đa polyp tuyến gia đình (FAP) là một hội chứng ung thư đại tràng di truyền trong đó các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng.
     Đa polyp tuyến gia đình thể suy yếu (AFAP) là một thể nhẹ hơn của FAP.  
     Ung thư đại trực tràng không đa polyp di truyền (HNPCC) hay hội chứng Lynch
     Hội chứng đa polyp Myh là một hội chứng ung thư đại tràng di truyền mới được phát hiện.

Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến tiến triển. Điều này có nghĩa là có 1 người thân bậc 1 (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) đã mắc những bệnh này trước 60 tuổi, hoặc có ≥ 2 người thân bậc 1 mắc những bệnh này ở bất kỳ lứa tuổi nào.
     Đề xuất nên bắt đầu tầm soát CRC bằng nội soi ở tuổi 40 hoặc sớm hơn 10 tuổi trước khi người thân trẻ nhất bị ảnh hưởng, tùy theo điều kiện nào sớm hơn. Đề nghị nội soi đại tràng mỗi 5 năm (mức độ chứng cứ rất thấp). Sau đó tiếp tục các khuyến cáo tầm soát như nhóm nguy cơ trung bình cho những người bị CRC hoặc polyp tiến triển ở người thân bậc 1 ở tuổi ≥ 60.
     Đề xuất tuân theo cáo khuyến cáo tầm soát CRC nhóm nguy cơ trung bình ở những người có 1 người thân bậc 2 (ông bà, cô chú bác, cháu, cháu nội-ngoại) bị CRC hoặc polyp tiến triển. (chứng cứ thấp)
Cá nhân đã trải qua phẫu thuật ung thư đại tràng có nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư đại trực tràng khác trong tương lai. (Xem “Theo dõi sau phẫu thuật ung thư đại trực tràng”). Phát hiện và điều trị polyp và ung thư sớm có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống sót.
Bệnh nhân có tiền sử polyp đại tràng thường phát triển polyp sau đó. Vì vậy, nội soi kiểm tra định kỳ được khuyến cáo. (Xem “Theo dõi sau nội soi đại tràng có hoặc không có cắt polyp”).
Các bác sĩ đôi khi không tự tin rằng tất cả các polyp đã được cắt bỏ hoàn toàn, có thể do vị trí của polyp (ẩn sau nếp đại tràng) hoặc do đại tràng chưa được làm sạch đầy đủ (bị phân che lấp) (Xem “Nội soi đại tràng”). Trong hoàn cảnh này, các quyết định liên quan đến khoảng cách giữa các lần nội soi kiểm tra nên được thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Bệnh sử cá nhân bị viêm ruột (IBD) mạn tính (ví dụ viêm loét đại tràng (UC) hoặc bệnh Crohn).          
     Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng (UC) lâu ngày cũng có nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư đại trực tràng. Nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng tỷ lệ thuận với thời gian mắc bệnh và mức độ lan rộng của tổn thương viêm loét đại tràng. Vì vậy, bệnh nhân viêm loét đại tràng mạn tính liên quan đến toàn bộ đại tràng nên được nội soi đại tràng mỗi 1-3 năm sau hơn 8 năm bị viêm loét đại tràng (sinh thiết nhiều mẫu). Nếu kết quả sinh thiết phát hiện các tế bào tiền ung thư, nội soi đại tràng được lặp lại 3 tháng sau đó. Nếu vẫn còn hiện diện tế bào tiền ung thư ở lần nội soi kiểm tra sau 3 tháng, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân về lợi ích của phẫu thuật cắt bỏ đại tràng để ngăn ngừa ung thư.
     Nếu viêm loét đại tràng giới hạn chỉ ở đại tràng trái, tầm soát tương tự được bắt đầu 15 năm sau khi khởi phát bệnh viêm loét đại tràng.
Tầm soát cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao chủ yếu bằng nội soi đại trực tràng, bắt đầu ở tuổi 40 hoặc sớm hơn 10 năm so với tuổi người thân trẻ nhất được chẩn đoán ung thư đại trực tràng hoặc polyp trong gia đình.

Tóm lại
Ung thư đại tràng có thể ngăn ngừa và chữa được. Ung thư đại tràng có thể ngăn ngừa bằng cách cắt bỏ polyp đại tràng tiền ung thư và có thể chữa được nếu ung thư sớm được phẫu thuật cắt bỏ trước khi lan đến các cơ quan khác của cơ thể. Do đó, nếu chương trình tầm soát và kiểm tra được thực hiện toàn cầu sẽ giúp giảm đáng kể tần suất và tỷ lệ tử vong của ung thư đại trực tràng.
Tư vấn và xét nghiệm di truyền cho các đối tượng nguy cơ cao sẽ giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về cơ sở di truyền của sự hình thành ung thư đại trực tràng. Xét nghiệm máu phát hiện bệnh di truyền và xét nghiệm tìm tế bào tiền ung thư trong phân có thể có một vai trò trong việc tầm soát ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, xét nghiệm di truyền không có hội chứng ung thư không có nghĩa không mắc bệnh ung thư. Tư vấn và xét nghiệm di truyền nhằm kiểm tra nội soi và phát hiện ung thư sớm ở các đối tượng có nguy cơ cao.

Update 5/4/2021
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG