MỠ TẠNG
KẺ GIẾT NGƯỜI THẦM LẶNG. Visceral fat is a silent killer.
1. Mỡ tạng là gì và tại sao lại nguy hiểm?
Mỡ tạng (visceral fat) là loại mỡ nằm sâu bên trong ổ bụng, bao quanh các cơ quan nội tạng như gan, tụy, ruột cho nên dễ bị bỏ qua, nhất là ở người có "béo bụng ẩn" (TOFI – thin outside, fat inside).
Không giống như mỡ dưới da (subcutaneous), mỡ tạng có hoạt tính chuyển hóa cao, gây áp lực cơ học lên nội tạng, làm suy giảm chức năng gan và tăng nguy cơ viêm mãn tính và được xem là yếu tố nguy cơ chính:
Đề kháng insulin → tiểu đường type 2; Viêm mạn tính mức độ thấp → bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, gan nhiễm mỡ, ung thư ruột… (Nature Reviews Cardiology) → Đây đều là bệnh lý “giết người” phổ biến nhất toàn cầu, nhưng diễn tiến âm thầm.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mỡ tạng tiết ra các cytokine tiền viêm như TNF-α, IL-6, làm tăng đề kháng insulin và viêm mạn tính mức độ thấp – cơ chế then chốt dẫn đến hội chứng chuyển hóa (Després J-P, Nature, 2006; Bray GA, Lancet Diabetes Endocrinol, 2014).
Hình thái “ngoài ốm nhưng trong mỡ”
2. Chỉ số mỡ tạng bao nhiêu là bình thường?
Tùy theo phương pháp đo, chỉ số mỡ tạng có thể được biểu thị theo nhiều cách. Dưới đây là các mức phân loại phổ biến nhất:
A. Theo chỉ số nội tạng đo bằng máy InBody (bioelectrical impedance analysis – BIA): Các thiết bị như Omron sử dụng dòng điện nhẹ để ước lượng mỡ tạng, đưa ra chỉ số từ 1-30. Phương pháp này tiện lợi, giá rẻ, nhưng độ chính xác thấp hơn CT/MRI, dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm cơ thể.
- 1–9: Bình thường
- 10–14: Cao
- ≥15: Rất cao, nguy cơ cao các bệnh lý chuyển hóa (InBody Co., Ltd – Visceral Fat Level Classification).
B. Theo diện tích mỡ tạng đo bằng CT scan (Visceral Fat Area – VFA, cm²):
Thường dùng chỉ số mỡ tạng:
- <100 cm²: Bình thường
- 100–160 cm²: Cao
- >160 cm²: Rất cao
Một số nghiên cứu dùng ngưỡng >130 cm² là điểm cắt có ý nghĩa tiên lượng cao nguy cơ tim mạch và đái tháo đường (Tanaka S. et al, Obesity Research, 2003; Kuk JL et al., Obesity, 2006).
Cũng có thể dùng thể tích mỡ tạng. Không có tổ chức y tế lớn nào (WHO, IDF, ADA) ban hành mốc ngưỡng thể tích mỡ tạng (cm³) như một chỉ số chẩn đoán hay tiêu chuẩn lâm sàng chính thức. Tóm tắt áp dụng thực hành (khuyến nghị lâm sàng dựa trên dữ liệu nghiên cứu):
Thể tích mỡ tạng (cm³) |
Mức độ |
Tham khảo thực hành |
< 3000 cm³ |
Bình thường |
GE, Thomas et al. |
3000–5000 cm³ |
Tăng nhẹ |
Kuk et al., Thomas et al. |
5000–8000 cm³ |
Cao |
Kuk et al. |
> 8000 cm³ |
Rất cao |
Dữ liệu tổng hợp nghiên cứu |
Thể tích mỡ tạng (màu hồng)
3. Các phương pháp đo chỉ số mỡ tạng:
A. Đo bằng CT scan (chụp cắt lớp vi tính):
- Được xem là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá mỡ tạng.
- Cho hình ảnh định lượng trực tiếp vùng mỡ xung quanh các cơ quan nội tạng, thường đo tại lát cắt ngang L4–L5.
- Nhược điểm: giá thành cao, phơi nhiễm tia X.
B. Đo bằng MRI (cộng hưởng từ):
- Không có bức xạ ion hóa, cho kết quả chính xác tương đương CT.
- Tuy nhiên, chi phí đắt và thời gian thực hiện dài.
C. DEXA (Dual-energy X-ray Absorptiometry): Đo chính xác tỷ lệ mỡ toàn cơ thể và phân bố mỡ, nhưng ít phổ biến hơn CT/MRI và chủ yếu dùng trong nghiên cứu.
D. Đo bằng phân tích trở kháng sinh học (BIA – ví dụ máy InBody):
- Phổ biến tại các cơ sở y tế và phòng khám dinh dưỡng.
- Ước tính mỡ tạng gián tiếp thông qua các thuật toán từ điện trở cơ thể.
- Ưu điểm: không xâm lấn, dễ thực hiện. Nhược điểm: độ chính xác kém hơn CT/MRI.
E. Vòng eo (Waist Circumference) và tỷ số vòng eo/chiều cao (WHtR) :
- Dễ thực hiện tại nhà, là dấu hiệu cảnh báo gián tiếp của mỡ tạng.
- Theo WHO, vòng eo ≥90 cm ở nam và ≥80 cm ở nữ châu Á là dấu hiệu mỡ tạng tăng. WHR >0.90 (nam) và >0.85 (nữ) cũng là nguy cơ cao (WHO Expert Consultation, 2004). (WHR: tỉ số eo/hông, không tốt bằng WHtR trong đánh giá nguy cơ tim mạch)
Các ngưỡng đánh giá (theo Ashwell et al., 2012)
WHtR |
Ý nghĩa |
< 0.4 |
Gầy, có thể thiếu mỡ thiết yếu |
0.4 – 0.49 |
Bình thường – nguy cơ thấp |
≥ 0.5 |
Nguy cơ cao bệnh tim mạch, đái tháo đường |
≥ 0.6 |
Nguy cơ rất cao |
Đặc biệt, ngưỡng ≥ 0.5 được khuyến cáo là điểm cắt đơn giản, dễ nhớ: “Giữ vòng eo nhỏ hơn một nửa chiều cao” (Keep your waist to less than half your height)
Tại sao WHtR được coi là hiệu quả hơn BMI?
- BMI không phân biệt được mỡ dưới da và mỡ tạng.
- Vòng eo có thể bị ảnh hưởng bởi chiều cao (người thấp dễ có vòng eo lớn dù cân nặng bình thường).
- WHtR đã được chứng minh là dự báo hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và tử vong do tim mạch tốt hơn BMI (Ashwell M et al., BMJ Open 2012; Lee CMY et al., Obesity Reviews 2008).
So sánh vòng eo/chiều cao (WHtR) và vòng eo/hông (WHR – Waist-to-Hip Ratio) cho thấy WHtR thường được đánh giá là tốt hơn trong tiên lượng nguy cơ tim mạch và hội chứng chuyển hóa, nhất là ở người châu Á.
Trong thực hành, nên đo và theo dõi WHtR song song với BMI, vòng eo và mỡ tạng.
Như vậy, Mỡ tạng là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh lý không lây mạn tính. Việc phát hiện và kiểm soát mỡ tạng nên được lồng ghép vào quản lý béo phì và dự phòng bệnh tim mạch – đái tháo đường... Các phương pháp đo như CT, MRI và BIA đều có vai trò quan trọng tùy theo điều kiện thực hành.
Sài gòn 16/5/2025
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG