3 năm trước 189

HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH THỂ TÁO BÓN (IBS-C)


IBS-C có thể gây cho bệnh nhân cực kỳ khó chịu. Biết thêm về các triệu chứng và phương pháp điều trị IBS-C sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh của mình. Nói chuyện với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.

H. Tỷ lệ mắc bệnh là gì?

Hơn 13 triệu người Mỹ trưởng thành có IBS với táo bón là triệu chứng chính của bệnh.

IBS-C phổ biến ở nữ hơn so với nam và ở người lớn dưới 50 tuổi. Khoảng 72% những người bị IBS-C có táo bón thường xuyên mà họ mô tả là cực kỳ khó chịu.

H. Triệu chứng bệnh như thế nào?

IBS-C kéo dài trong ít nhất 3 tháng trở lên. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

    Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu: Đau quặn và thắt

    Táo bón: Đi cầu ít hơn 3 lần/ tuần và phân giống như viên thuốc nhỏ, cứng và khô

    Cảm giác muốn đi cầu: Một cảm giác như bạn cần phải đi cầu nhưng không thể đi hoặc không thể đi hết phân

    Cảm thấy tốt hơn sau khi đi vệ sinh: Các triệu chứng như đau quặn bụng giảm sau khi đi vệ sinh

    Sình hay chướng bụng: Cảm giác đầy bụng, đặc biệt là sau khi ăn

    Xì hơi: Thường gây ra bởi một vài loại thức ăn hoặc thay đổi chế độ ăn uống

    Rặn: Rặn khi đi cầu có thể dẫn đến bệnh trĩ nội

    Chất nhầy: Chất nhầy trong phân

Phụ nữ với IBS cũng có thể có các triệu chứng nặng hơn trong thời kỳ kinh nguyệt của họ.


H. Chẩn đoán bệnh như thế nào?

Mặc dù có những điểm tương đồng trong tất cả các loại IBS, một số triệu chứng chỉ có ở IBS-C. Những người IBS với táo bón chiếm ưu thế, phân đi qua ruột già của họ với tỉ lệ bình thường. Tuy nhiên, khối lượng phân có xu hướng ít hơn nhiều so với IBS có tiêu chảy chiếm ưu thế hoặc ở những người có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Chẩn đoán IBS-C đòi hỏi phải có phân cứng thành khối ít nhất 25% thời gian, với phân lỏng hoặc nước ít hơn 25% thời gian

Nếu bạn nghĩ rằng bạn bị IBS, không nên cố gắng tự chẩn đoán. Một số triệu chứng của IBS có thể chỉ ra các bệnh khác mà một thầy thuốc cần loại trừ. Điều này sẽ đảm bảo chẩn đoán và điều trị bệnh đúng.

H. Bệnh được điều trị ra sao?

Tăng lượng chất xơ thường là điều trị đầu tiên mà các bác sĩ yêu cầu cho IBS-C. Mục đích để có được 20-35 gram chất xơ mỗi ngày từ các nguồn như trái cây, rau, đậu và ngũ cốc. Tiêu thụ nhiều chất xơ có thể sẽ làm giảm táo bón nhưng nó cũng có thể làm tăng đầy hơi và đau quặn bụng. Tăng dần dần lượng chất xơ để giảm thiểu các tác dụng phụ.

Ngoài ra, hãy uống nhiều nước để thức ăn dễ lưu thông trong đường ruột của bạn. Không uống đủ nước là một yếu tố góp phần táo bón và phân khô.

Thuốc nhuận tràng giải quyết tạm thời tình trạng táo bón. Hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc nhuận tràng để chắc chắn rằng nó là một lựa chọn thích hợp và nên bắt đầu với liều thấp nhất có thể. Thuốc nhuận tràng tốt để làm thuyên giảm táo bón trong thời gian ngắn, không nên được sử dụng một cách thường xuyên.

Nếu táo bón nặng hơn hoặc tiếp tục trong hơn 3 tuần, bạn cần gặp bác sĩ.

 

TS.BS Đỗ Minh Hùng