3 năm trước 152

VIÊM RUỘT THỪA CẤP

Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân gây đau bụng cấp thường gặp nhất và là một trong những phẫu thuật cấp cứu thường gặp nhất trên thế giới

H. Bệnh viêm ruột thừa là gì?
   Bệnh viêm ruột thừa là hiện tượng phần ruột thừa bị viêm diễn tiến đến tạo mủ, dẫn đến việc đau, khó chịu cho người bệnh.
H. Nguyên nhân viêm ruột thừa?
   Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm ruột thừa cấp đó là tình trạng tắt nghẽn lòng ruột thừa, yếu tố gây tắc nghẽn ruột thừa thường gặp nhất là sỏi phân, ít gặp hơn là do phì đại mô bạch huyết, do rau, hạt trái cây hay do giun.

H. Triệu chứng viêm ruột thừa? (Dấu hiệu gợi ý bệnh viêm ruột thừa?)
   Đau bụng: đây là triệu chứng đầu tiên của viêm ruột thừa cấp làm cho bệnh nhân khó chịu phải đi khám. Điển hình của viêm ruột thừa cấp là đau bụng bắt đầu ở vùng thượng vị và vùng quanh rốn. Đau vừa phải, không thay đổi, đôi khi có những cơn co thắt trội lên. Sau một thời gian từ 1-12 giờ (thường trong vòng 4-6 giờ), cơn đau sẽ chuyển xuống đau khu trú ở vùng bụng dưới bên phải. Ở một số bệnh nhân, đau của viêm ruột thừa bắt đầu ở vùng bụng dưới bên phải và vẫn duy trì ở đó.

   Chán ăn: thường là dấu hiệu hay đi kèm theo trong viêm ruột thừa.
   Nôn mửa: Xảy ra trong khoảng 75% bệnh nhân, nhưng không nổi bật và kéo dài, hầu hết bệnh nhân chỉ nôn 1-2 lần.
   Sốt cũng có thể là dấu chứng của viêm ruột thừa, thường là sốt nhẹ dưới 39 độ C, nếu sốt cao hơn có thể là dấu chứng của viêm ruột thừa muộn.
   Chuỗi xuất hiện triệu chứng có ý nghĩa rất lớn để chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa với các bệnh khác. Trên 95% bệnh nhân viêm ruột thừa cấp thì chán ăn là triệu chứng đầu tiên, sau đó là đau bụng, đến lượt nôn mửa (nếu có xảy ra).
   Đây là những dấu hiệu gợi ý của bệnh lý viêm ruột thừa cấp, bênh nhân cần đến các cơ sở y tế để đuợc thăm khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán.
H. Chẩn đoán viêm ruột thừa bằng cách nào?
   Thăm khám là quan trọng cho việc chẩn đoán. Bệnh nhân có các dấu chứng trên khi đến khám sẽ được bác sỹ chuyên khoa trực tiếp thăm khám vùng bụng để đánh giá. Khi bác sỹ thăm khám ấn vào vùng bụng dưới bên phải bệnh nhân sẽ đau, mức độ đau có thể tùy thuộc vào giai đoạn của viêm ruột thừa.
   Các xét nghiệm cận lâm sàng cần được làm thêm để chẩn đoán viêm ruột thừa cấp là xét nghiệm máu và siêu âm bụng, trong một số ít trường hợp khó khăn hay cần chẩn đoán phân biệt bác sỹ có thể cho chụp CTscan bụng để chẩn đoán.
H. Diều trị viêm ruột thừa như thế nào?
   Bệnh viêm ruột thừa để lâu có thể sẽ gây ra vỡ ruột thừa trong ổ bụng làm cho tình trạng nhiễm trùng trong ổ bụng càng nặng nề hơn có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, tình trạng vỡ ruột thừa trong ổ bụng có thể diễn tiến tới viêm phúc mạc khu trú hay toàn bộ ổ bụng hay áp xe ruột thừa, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và các tai biến biến chứng sẽ nhiều hơn cho bệmh nhân. Chính vì thế ngay khi có dấu hiệu nhận ra mình bị viêm ruột thừa cần tới ngay bệnh viện để khám và điều trị sớm. Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm ruột thừa thường là cắt bỏ ruột thừa bị viêm và có thể phẫu thuật dưới 2 hình thức sau:
      Mổ mở: hiện nay tại các bệnh viện chuyên khoa mổ ruột thừa mở rất ít, chỉ vài trường hợp rất khó khăn.
      Mổ nội soi: ngày nay hầu như tất cả các giai đoạn của viêm ruột thừa đều có thể mổ nội soi tốt, chỉ một số ít các trường hợp rất khó khăn cần mổ mở.

H. Tiên lượng bệnh nhân sau mổ như thế nào?
   Đối với các trường hợp viêm ruột thừa sớm được phẫu thuật nội soi thì thời gian hồi phục nhanh, bệnh nhân chỉ cần nằm viện từ 1-3 ngày, bệnh nhân có thể làm việc trở lại sau 01 tuần. Trong thời gian này bệnh nhân có thể còn đau ít ở vùng phẫu thuật và cần uống thuốc theo toa chỉ định của bác sỹ.
   Đối với các trường họp viêm ruột thừa trể như viêm phúc mạc hay áp xe ruột thừa thì cần nằm viên lâu hơn (khoảng 01 tuần), bệnh nhân có thể làm việc trở lại sau 10 – 14 ngày.
   Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể ăn uống bình thường trở lại.
   Bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động bình thường sau phẫu thuật. Đối với các hoạt động nặng hơn như chơi thể thao thì cần khoảng 04 tuần sau mổ.
   Bệnh nhân cần thay băng vết thương hàng ngày và có thể cắt chỉ vết mổ sau 07 ngày.

15/10/16

Ths.BS Phan Thanh Tuấn
TS.BS Đỗ Minh Hùng