1 tuần trước 627

CÁC BỆNH LÝ TIÊU HÓA VÀ THỨC ĂN GÂY ĐẦY HƠI, CHƯỚNG BỤNG

Đầy hơi và chướng bụng là triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý tiêu hóa, do tích tụ khí trong ống tiêu hóa hoặc rối loạn quá trình hấp thu. Ngoài ra, mộ số thức ăn có thể sinh nhiều hơi góp phần tăng thêm triệu chứng của người bệnh.

1. CÁC NGUYÊN NHÂN BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP:

Bệnh lý

Cơ chế sinh hơi/chướng bụng

1. Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Rối loạn nhu động ruột, tăng nhạy cảm thành ruột, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột → sinh hơi.

2. Kém hấp thu lactose

Thiếu enzym lactase → lactose không tiêu hóa được, bị lên men bởi vi khuẩn đại tràng → sinh khí.

3. Rối loạn hấp thu fructose

Fructose không được hấp thu ở ruột non → bị lên men ở đại tràng.

4. Viêm dạ dày – tá tràng

Ảnh hưởng đến tiêu hóa cơ học và enzym, đặc biệt khi có HP.

5. Bệnh celiac (không dung nạp gluten)

Tổn thương niêm mạc ruột non, làm rối loạn hấp thu, gây sinh hơi.

6. Táo bón

Tồn đọng phân làm tăng quá trình lên men ở đại tràng → sinh hơi.

7. SIBO (Small Intestinal Bacterial Overgrowth)

Vi khuẩn ruột non lên men carbohydrate sớm → sinh hơi, chướng bụng, tiêu chảy.

8. Viêm tụy mạn / Thiếu enzyme tụy

Rối loạn tiêu hóa lipid và carbohydrate → sinh hơi, phân mỡ.

9. Ung thư đại trực tràng

Tắc nghẽn hoặc bán tắc → ứ khí.

10. Hội chứng dumping sau mổ dạ dày

Thức ăn xuống ruột non quá nhanh → lên men nhanh → sinh khí.

2. CÁC THỨC ĂN DỄ GÂY SINH HƠI (GAS-PRODUCING FOODS)

  1. Các loại đậu

Đậu lăng, đậu đen, đậu Hà Lan, đậu nành... chứa nhiều chất xơ và Raffinose, stachyose – oligosaccharides, khó tiêu hóa và có thể gây đầy hơi.

Raffinose, stachyose – oligosaccharides tức là các carbohydrate có từ 3–10 phân tử đường đơn (monosaccharide) liên kết lại. Tuy không phải là chất xơ (fiber) thật sự, nhưngkhông được tiêu hóa và hấp thu ở ruột non, chúng có tính chất sinh lý giống chất xơ: Đi xuống đại tràng nguyên vẹn, nơi vi khuẩn lên men → sinh khí (hydrogen, methane, CO) → gây đầy hơi, chướng bụng

Người không có enzyme α-galactosidase (ở ruột non) → không phân giải được raffinose & stachyose. Enzyme α-galactosidase (có trong thuốc như Beano) có thể giúp giảm triệu chứng nếu dùng trước bữa ăn.

  1. Các loại rau họ cải

Bông cải xanh, súp lơ, bắp cải... chứa raffinose, một loại đường phức tạp khó tiêu hóa, gây ra khí.

 

  1. Hành, tỏi

Hành, tỏi,… chứa Fructan (loại FODMAPs) → lên men.

 

  1. Các sản phẩm từ sữa

Sữa tươi, phô mai, kem... có lactose thể gây đầy hơi, đặc biệt ở những người không dung nạp lactose.

 

  1. Bánh mì, mì ống

Các loại thức ăn này chứa gluten hoặc fructan gây đầy hơi ở người nhạy cảm với gluten/fructan.

 

  1. Đồ uống có ga

Nước ngọt, bia... chứa carbon dioxide (CO₂) và đường lên men, tạo ra khí trong dạ dày.

 

  1. Trái cây ngọt

Táo, lê, mận, xoài, dưa hấu... chứa fructose và sorbitol., một loại đường tự nhiên có thể gây đầy hơi ở một số người.

  1. Thực phẩm chứa nhiều chất béo

Thức ăn chiên, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh... làm chậm tiêu hóa, gây khó tiêu hóa, đầy hơi.

 

  1. Chất tạo ngọt nhân tạo

Sorbitol, mannitol, xylitol... có trong kẹo cao su không đường, bánh kẹo ăn kiêng... khó hấp thụ, bị lên men ở ruột già và có thể gây đầy hơi.

TLTK:

Camilleri M. Clinical practice. Irritable bowel syndrome. N Engl J Med. 2005;352(21):2134-42.

Rao SSC, et al. Small Intestinal Bacterial Overgrowth: A Clinical Review. JAMA. 2021;325(14):1509-1517.

Ford AC, et al. American College of Gastroenterology monograph on the management of IBS. Am J Gastroenterol. 2018;113(Suppl 2):1–18.

Shepherd SJ, et al. Dietary triggers of abdominal symptoms in patients with irritable bowel syndrome: randomized control trial of the FODMAP diet. Gut. 2008;57(6):744–750.

Barrett JS. Extending our knowledge of fermentable, short-chain carbohydrates for managing gastrointestinal symptoms. Nutr Clin Pract. 2013;28(3):300–306.

 

Sài Gòn 10/5/2025

TS.BS ĐỖ MINH HÙNG