3 năm trước 823

NHÂN TRƯỜNG HỢP DỊ VẬT ĐÂM XUYÊN THỦNG BAO TỬ VÀO GAN

Bệnh nhân nam 55 tuổi, nhập viện vì mệt mỏi, sút cân vài kilogam, không rõ nguyên nhân. Khoảng 1 tháng nay bệnh nhân hay có cảm giác mệt mỏi, ăn kém; không đau bụng, không sốt, tiêu tiểu bình thường. Bệnh nân đi khám phòng khám tư nhân được siêu âm phát hiện tổn thương gan, nghĩ u gan và tăng men gan. Khám lâm sàng không phát hiện gì bất thường.
Tiền sử bệnh: không ghi nhận bất thường.
Xét nghiệm máu ghi nhận thiếu máu mức độ nhẹ, tăng men gan. Các xét nghiệm viêm gan B, C âm tính, dấu ấn ung thư gan âm tính. Chụp CT phát hiện dị vật mật độ xương, dài khoảng 30mm, ngang khoảng 1 mm, dị vật này xuyên thành dạ dày đâm vào gan trái khoảng 5mm, kèm tổn thương gan trái dạng viêm chưa hoá mủ (chưa hình thành áp xe nên chưa thấy đau bụng vùng gan).
 

Bệnh nhân nhanh chóng được nội soi dạ dày tá tràng rút dị vật, được nhập viện điều trị chữa lành lỗ thủng dạ dày do dị vật mà không trải qua một cuộc phẫu thuật.
    

 

Đây là một trường hợp dị vật đâm xuyên thành bao tử vào gan trái hiếm gặp. Điều may mắn là bệnh nhân chưa bị áp xe gan nơi dị vật đâm vào, chưa viêm phúc mạc do chỗ đâm thủng từ bao tử. Trường hợp này được chúng tôi xử lý ở mức độ xâm lấn tối thiểu nhất là nội soi rút dị vật qua nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng, tiếp tục được điều trị nội khoa làm lành bao tử nơi dị vật đâm thủng. Hình ảnh kiểm tra sau 1 ngày rút dị vật không còn thấy bất kỳ dị vật nào còn sót, bệnh nhân hoàn toàn không đau, không sốt và được xuất viện sau 2 ngày điều trị để tiếp tục điều trị tại nhà.
Trường hợp đặt ra là không lấy được dị vật qua nội soi, ngay lập tức chúng tôi sẽ phẫu thuật nội soi để lấy dị vật cho bệnh nhân, tức là bằng một phương pháp ít xâm lấn nữa chứ không phải mổ mở.

 

Một số vấn đề chia sẽ cùng các bạn
Bệnh nhân nuốt dị vật khi nào và làm sao để tránh?
Cần hết sức lưu ý các dị vật mà chúng ta có thể nuốt phải do vô tình như vỏ thuốc (phải đảm bảo không còn gì dính vào viên thuốc sau khi bóc vỏ trước khi uống), các mảnh xương cá, gà…(nhai kỹ trước khi nuốt, tránh nói quá nhiều khi ăn uống), và đặc biệt các đối tượng khi đã nhậu xỉn có thể vô tình nuốt dị vật (xương, răng giả…) nhưng không hay biết!
Nuốt dị vật có tỉ lệ cao nhất ở trẻ em, đối tượng có vấn đề tâm thần kinh và tù nhân, họ có thể nuốt cả lưỡi lam, bàn chải đánh răng… Mặc khác, tắc nghẽn viên thức ăn có thể gặp ở đối tượng lớn tuổi có bệnh lý thực quản tiềm ẩn.

 

Dị vật có thể gây ra những vấn đề gì?
Tùy theo loại dị vật, vị trí, thời gian nuốt mà ngườii bệnh có thể:
Thủng thực quản, bao tử, tá tràng, ruột non, ruột già do những dị vật sắc nhọn như xương, tâm xỉa răng, kim may đồ…gây viêm, áp xe, tụ máu… trung thất, ổ bụng…
Có thể gây tắc nghẽn lưu thông do dị vật có cấu trúc to hơn tại các vị trí có giải phẫu hẹp của đường tiêu hóa.
Các triệu chứng có thể gặp: nuốt đau, nuốt khó, đau ngực, buồn nôn, nôn, đau bụng

 

Làm gì khi nuốt phải dị vật?
Hơn 80–90% dị vật thực sự ăn vào sẽ tự thoát qua đường tiêu hóa mà không có biến chứng. Tuy nhiên, trong 10–20% trường hợp, can thiệp nội soi, phẫu thuật tùy theo vấn đề mà dị vật gây ra.
Khi có các triệu chứng sau khi nuốt dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có hướng xủ trí thích hợp.

 

Trung tâm Nội soi-Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa thuộc bệnh viện Tâm anh HCM là trung tâm đầu tiên của cả nước tập hợp đội ngũ các bác sĩ Nội + Ngoại + Nội soi Tiêu hóa, có thể đáp ứng chẩn đoán và điều trị hầu hết các bệnh lý đường tiêu hóa với tiêu chí TẬN TÂM - AN TOÀN - HIỆU QUẢ - ÍT XÂM LẤN - CHI PHÍ HỢP LÝ. Chúng tôi luôn đặt chất lượng chẩn đoán và điều trị lên hàng đầu.

 

21/4/21
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG