CÁC LOẠI POLYP TÚI MẬT VÀ ĐIỀU TRỊ
Polyp túi mật là một bệnh lý không thường gặp nhưng khi phát hiện, vấn đề đặt ra là bản chất sang thương là gì, theo dõi và điều trị như thế nào
Các loại polyp túi mật
Như một quy luật chung, các sang thương polyp có thể xếp thành lành tính hoặc ác tính. Các sang thương lành tính lại được chia thành u và không phải u.
Sang thương u lành tính thường gặp nhất là u tuyến (adenoma). Các u trung mô lành tính như leiomyoma, lipoma hiếm gặp.
Sang thương không phải u lành tính (giả u) thường gặp nhất là polyp do ứ đọng cholesterol (cholesterolosis), u cơ tuyến (adenomyomatosis: có thể kết hợp với nguy cơ ung thư túi mật cao), polyp viêm.
Sang thương ác tính thường gặp nhất ở túi mật là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma). (u biểu mô tuyến túi mật thường gặp hơn u tuyến, ngược lại ở đại tràng loại u tuyến thường gặp hơn ung thư biểu mô tuyến). Các ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma), u nang tuyến nhầy (mucinous cystadenoma), u biểu mô tuyến vảy (adenoacanthoma)
Cholesterol Polyps: chiếm 9-26% trong các trường hợp phẫu thuật. Bệnh lý do sự tích tụ lipid ở niêm mạc thành túi mật, thường kết hợp với sỏi, là bệnh lành tính thường được phát hiện tình cờ sau cắt túi mật hoặc trên siêu âm. Một số trường hợp có thể có triệu chứng và biến chứng tương tự như sỏi túi mật.
U cơ tuyến: Là sự phát triển quá mức niêm mạc, dày thành cơ và túi thừa nội thành túi mật chứ không liên quan đến sự thay đổi tuyến ở biểu mô túi mật. có sự kết hợp rõ ràng giũa u cơ tuyến và sỏi túi mật. Bệnh ít gặp (#1%), thường ở nữ. Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ một bằng chứng kết luận rằng sự hiện diện của u cơ tuyến làm tăng nguy cơ ung thư túi mật nhưng có bằng chứng u cơ tuyến kết hợp với ung thư túi mật giai đoạn tiến triển, có khả năng do u cơ tuyến làm khó chẩn đoán ung thư túi mật giai đoạn sớm trên chẩn đoán hình ảnh.
Polyps hình thành do viêm: là loại ít gặp nhất trong các loại polyp không phải u, thường có kích thước 5-10mm, mặc dù có thể lên đến hơn 1cm gây nhầm lẩn với ung thư túi mật. Hình ảnh là những sang thương có cuống hoặc không trên siêu âm.
U tuyến: là những u biểu mô lành tính chia thành loại nhú và không phải dạng nhú. Tương tự polyp ruột, u tuyến này được chia thành tuyến ống, nhú và hỗn hợp.
Các loại khác: u sợi, u mỡ, leiomyoma thì cực kỳ hiếm gặp
Điều trị và theo dõi polyp túi mật như thế nào?
Điều trị hiệu quả duy nhất cho polyp túi mật hoặc polyp do ứ động cholesterol là cắt túi mật cho những bệnh nhân có triệu chứng hoặc như là một dự phòng để ngăn chuyển thành ác tính. Hầu hết các polyp túi mật là lành tính, mục tiêu điều trị chính là loại trừ khả năng ác tính bởi vì ung thư túi mật tiến triển có tiên lượng nghèo nàn, trong khi cắt ở giai đoạn sớm mang lại hy vọng duy nhất điều trị khỏi bệnh. Hướng điều trị cụ thể nhu sau:
Polyp kèm sỏi mật hoặc viêm đường mật xơ hóa nguyên phát:
Polyp kèm sỏi: khuyến cáo cắt túi mật mà không quan tâm tới kích thước polyp, có triệu chứng hay không vì sỏi là yếu tố nguy cơ ung thư túi mật ở bệnh nhân có polyp túi mật (chứng cứ yếu).
Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát kèm xơ gan được siêu âm theo dõi định kỳ hàng năm và cắt túi mật khi phát hiện polyp > 8mm vì tồn tại nguy cơ ác tính cao. Polyp < 8mm được siêu âm theo dõi mỗi 3-6 tháng. Những bệnh nhân viêm đường mật xơ hóa nguyên phát không kèm xơ gan nên được cắt túi mật bất chấp kích thước polyp.
U cơ tuyến:
Bệnh nhân có triệu chứng: cắt túi mật
Không triệu chứng: theo dõi sát vì nguy cơ ác tính mặc dù mối liên hệ giữa u cơ tuyến và ung thư túi mật vẫn còn nghi ngờ.
Polyp túi mật có triệu chứng: Cắt túi mật nhất là bệnh nhân có đau quặn mật hoặc viêm tụy.
Polyp túi mật không triệu chứng:
Polyp > 20mm: cắt túi mật vì hầu như ác tính. Nên đánh giá CT, siêu âm qua nội soi. Cắt túi mật mở rộng với nạo hạch, cắt phần gan ở giường túi mật.
Polyp 10-20mm: Cắt túi mật vì khả năng ác tính cao. Với kích thước này thường là ung thư giai đoạn sớm nên chỉ cần cắt túi mật nội soi với phẫu tích rộng lấy toàn bộ mô liên kết ở giường túi mật để lộ bề mặt gan.
Polyp 6-9mm: Khuyến cáo cắt túi mật. Nếu không cắt túi mật, siêu âm theo dõi mỗi 6 tháng. Sau 1 năm, nếu kích thước không thay đổi thì theo dõi hàng năm. Cắt túi mật nếu kích thước polyp tăng thêm ≥ 2mm ở 2 lần theo dõi liên tiếp hoặc polyp ≥ 10mm.
Polyp < 6mm: Siêu âm theo dõi sau 6 tháng và mỗi năm sau đó cho đến 5 năm. Cắt túi mật nếu kích thước polyp tăng thêm ≥ 2mm ở 2 lần theo dõi liên tiếp hoặc polyp ≥ 10mm.
Quyết định cách thức điều trị polyp túi mật là cả một nghệ thuật, sao cho cân đối giữa các rủi ro tiềm tàng của phẫu thuật với các rủi ro tiềm ẩn của sự phát triển ung thư túi mật. Chú ý đến nguy cơ ung thư nói chung và theo dõi polyp túi mật cẩn thận có thể là một chiến lược điều trị hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của bạn.
14/3/2021
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG