VIÊM TEO DẠ DÀY
Viêm teo là tiến trình từ viêm dạ dày mãn mà nếu điều trị kịp thời có thể giúp niêm mạc tái tạo lại.
Viêm teo dạ dày là gì?
Thuật ngữ viêm dạ dày teo chuyển sản (metaplastic atrophic gastritis) (mãn tính), còn được gọi là viêm teo dạ dày, được sử dụng để mô tả một dạng viêm dạ dày mãn tính, ngoài tình trạng viêm, có liên quan đến mỏng niêm mạc, mất các tế bào chuyên biệt trong các tuyến dạ dày và những thay đổi trong các loại tế bào biểu mô (chuyển sản).
Phân loại
Viêm teo dạ dày bao gồm viêm dạ dày teo tự miễn (AMAG: autoimmune metaplastic atrophic gastritis) và do môi trường (EMAG: environmental metaplastic atrophic gastritis). Mặc dù AMAG và EMAG có thể khác biệt về mặt di truyền và lâm sàng, chúng thường có chung các đặc điểm mô học và có thể trùng lặp về mặt lâm sàng.
Viêm dạ dày teo tự miễn (AMAG)
AMAG là một dạng viêm dạ dày teo chuyển sản mãn tính do sự thay thế niêm mạc tuyến đáy vị bình thường ở thân dạ dày bằng niêm mạc teo và chuyển sản, dẫn đến viêm dạ dày teo chiếm ưu thế, giảm hoặc không sản xuất axit và pepsin và mất yếu tố nội tại có thể tiến triển thành một dạng thiếu máu do thiếu vitamin B12 nghiêm trọng được gọi là thiếu máu ác tính (PA: pernicious anemia).
Dịch tễ học
Viêm teo dạ dày và thiếu máu ác tính có tỷ lệ hiện mắc lần lượt là 2% và 0,15-1%. Tỷ lệ mắc AMAG tăng theo tuổi và cao hơn ở nữ so với nam. Có mối liên quan của AMAG với các bệnh tự miễn khác. Có đến 1/3 bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp tự miễn và 6-10% bệnh nhân đái tháo đường type 1 có đồng thời AMAG.
Bệnh sinh
AMAG phát triển khi cơ thể bạn sản xuất ra các kháng thể tấn công nhầm các tế bào dạ dày khỏe mạnh. Kháng thể là các protein giúp cơ thể bạn nhận biết và chống lại nhiễm trùng. Chúng thường tấn công các chất độc hại như vi khuẩn và vi rút. Tuy nhiên, các kháng thể ở những người có AMAG nhắm nhầm vào các tế bào dạ dày chịu trách nhiệm sản xuất axit giúp tiêu hóa.
Các kháng thể cũng có thể tấn công một chất được gọi là yếu tố nội tại. Yếu tố nội tại là một loại protein do tế bào dạ dày tiết ra giúp hấp thụ vitamin B12. Thiếu yếu tố nội tại có thể gây ra một căn bệnh gọi là thiếu máu ác tính. Trong bệnh này, sự thiếu hụt B12 khiến cơ thể bạn khó hoặc không thể tạo đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh.
Lâm sàng
Bệnh nhân AMAG có thể không có triệu chứng, nhưng nhiều người trong số họ bị khó tiêu kèm theo mệt mỏi sau ăn. Bệnh nhân AMAG có thể có triệu chứng do kém hấp thu vitamin B12 và thiếu máu ác tính. Các triệu chứng thiếu máu, bao gồm:
Mệt mỏi
Đầu óc lâng lâng
Chóng mặt
Tức ngực
Tim đập nhanh
Ù tai
Sự thiếu hụt B12 cũng có thể gây ra tổn thương thần kinh, có thể dẫn đến:
Tê và châm chích ở tay chân
Đi không vững
Rối loạn tâm thần
Thiếu B12 có thể gây viêm lưỡi bao gồm đau, sưng, đau và mất nhú lưỡi
Nếu bị nhiễm H. pylori, các triệu chứng phổ biến bao gồm:
Đau bụng
Buồn nôn và ói mửa
Ăn mất ngon
Giảm cân bất ngờ
Viêm loét dạ dày
Thiếu máu do thiếu sắt (lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh thấp)
Cận lâm sàng
Bệnh nhân mắc AMAG có thể có các biểu hiện bất thường về xét nghiệm sau đây:
Tăng gastrin huyết thanh lúc đói
Giảm tỷ lệ pepsinogen I / II huyết thanh
Thiếu máu do thiếu sắt
Mức vitamin B12 trong huyết thanh
Những người mắc AMAG cũng có thể có các phát hiện các rối loạn tự miễn dịch đồng thời khác (ví dụ: bệnh tuyến giáp, đái tháo đường týp 1)
Nguy cơ ung thư
Bệnh nhân mắc AMAG có nguy cơ cao phát triển các khối u thần kinh nội tiết dạ dày và ung thư biểu mô tuyến.
Các khối u nội tiết thần kinh dạ dày (carcinoid) - tỷ lệ mắc các khối u nội tiết thần kinh dạ dày ở bệnh nhân viêm dạ dày teo hàng năm là 0,68% mỗi người-năm.
Ung thư biểu mô tuyến dạ dày - Ung thư biểu mô tuyến dạ dày phát triển ở bệnh nhân AMAG thông qua quá trình diễn tiến thành chuyển sản ruột (IM) và loạn sản (nghịch sản).
Viêm dạ dày teo do môi trường
Dịch tễ học và các yếu tố nguy cơ
Viêm teo dạ dày do môi trường (EMAG) được cho là do tác động bất lợi của các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm H. pylori và có thể là các thành phần chế độ ăn uống, lên niêm mạc dạ dày.
EMAG và ung thư dạ dày loại ruột có liên quan chặt chẽ về mặt bệnh lý, lâm sàng và dịch tễ học. Do đó, các yếu tố nguy cơ tương tự được đề xuất cho hai bệnh.
Helicobacter pylori - H. pylori đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của viêm teo do môi trường và ung thư biểu mô tuyến dạ dày. Các nghiên cứu mô bệnh học chỉ ra rằng nhiễm H. pylori mãn tính tiến triển trong nhiều năm qua các giai đoạn của viêm dạ dày nông mạn tính, teo dạ dày, chuyển sản ruột, loạn sản và ung thư. Một số bệnh nhân nhiễm H. pylori phát triển chuyển sản ruột và ung thư biểu mô, trong khi những người khác thì không là do đa yếu tố và có thể liên quan đến sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố độc lực của vi khuẩn và các yếu tố nhạy cảm của người bệnh.
Chế độ ăn uống và các yếu tố nguy cơ khác - Nhiều nghiên cứu đã điều tra các nguyên nhân có thể gây ra EMAG trong chế độ ăn uống (ăn nhiều muối), với kết quả không thuyết phục hoặc không nhất quán. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm hút thuốc lá, uống rượu và trào ngược dịch mật mãn tính.
Đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm
Bệnh nhân viêm teo do môi trường có thể không có triệu chứng, nhưng nhiều người trong số họ có chứng khó tiêu (xem triệu chứng trong phần trên). Ngược lại với viêm teo do tự miễn, nồng độ gastrin huyết thanh lúc đói không tăng rõ rệt trong viêm teo do môi trướng. Tế bào thành và các tự kháng thể yếu tố nội tại và thiếu máu ác tính không có.
Nguy cơ ung thư
Bệnh nhân viêm teo do môi trường có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 10 đến 15 lần, đặc biệt là loại ruột.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán viêm dạ dày teo dựa trên đánh giá mô học của sinh thiết dạ dày chứng tỏ niêm mạc dạ dày bị teo với sự mất đi của các tế bào tuyến và thay thế chúng bằng biểu mô chuyển sản.
Nội soi và sinh thiết
Ở giai đoạn sớm, nội soi của viêm dạ dày teo mãn tính là bình thường, chỉ trong những trường hợp bị teo rộng thì các nếp niêm mạc mới phẳng và có thể nhìn thấy các mạch dưới niêm mạc. Niêm mạc có thể xuất hiện giả polyp vì các vùng polyp đại diện cho các đảo của niêm mạc tuyến đáy vị được bảo tồn liền kề với các vùng bị teo.
Hình ảnh nội soi viêm teo hang vị với LCI và với ánh sáng trắng
Sinh thiết là phương pháp đáng tin cậy nhất để chẩn đoán viêm teo dạ dày và chẩn đoán H. pylori. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của viêm teo dạ dày và xác định loại của viêm dạ dày teo mãn tính yêu cầu lập bản đồ sinh thiết dạ dày với đủ số lượng sinh thiết từ các vị trí cụ thể. Chúng tôi thực hiện lập bản đồ sinh thiết dạ dày trên nội soi ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày hoặc nghi ngờ viêm teo dạ dày (ví dụ, thiếu máu ác tính, nhiều tổn thương giả polyp).
Các vị trí sinh thiết: (1) hang vị phía bờ cong lớn, cách môn vị 3-5cm; (2) hang vị phía bờ cong nhỏ, cách môn vị 3-5cm; (3) góc bờ cong nhỏ; (4) thân vị phía bờ cong nhỏ; (5) thân vị phía bờ cong lớn.
Xét nghiệm
Mức độ pepsinogen I trong huyết thanh thấp hoặc/và tỷ lệ pepsinogen I / II thấp
Mức độ cao của gastrin, một loại hormone kích thích sản xuất axit dạ dày
Mức độ B12 thấp (đối với những người có thể có viêm teo tự miễn dịch)
Kháng thể tấn công tế bào dạ dày và yếu tố nội tại (đối với những người có thể có viêm teo tự miễn dịch)
ĐIỀU TRỊ
Hầu hết những người có viêm teo sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện sau khi tình trạng được điều trị.
Điều trị thường tập trung vào việc loại bỏ nhiễm H. pylori bằng cách sử dụng kháng sinh. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc làm giảm hoặc trung hòa axit trong dạ dày. Môi trường ít axit hơn sẽ giúp niêm mạc dạ dày của bạn lành lại.
Những người có viêm teo tự miễn cũng có thể được điều trị bằng cách bổ sung B12.
Tùy giai đoạn mà bệnh nhân sẽ được theo dõi cụ thể.
NGĂN NGỪA
Viêm teo rất khó ngăn ngừa, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bị nhiễm H. pylori bằng cách thực hành vệ sinh tốt. Điều này bao gồm rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi xử lý thực phẩm. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nhỏ nên đảm bảo rửa tay sau khi xử lý tã hoặc khăn bị bẩn. Dạy con bạn những cách vệ sinh tốt để tránh sự lây lan của vi khuẩn.
24/6/2021
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG