3 năm trước 576

VIÊM DẠ DÀY

Viêm dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc của một phần hoặc toàn bộ dạ dày, có nhiều nguyên nhân gây bệnh nhưng hầu hết gây ra các triệu chứng tương tự.

 

Viêm dạ dày (gastritis) là bệnh lý rất thường gặp, tuy nhiên, bệnh nhân, bác sĩ lâm sàng, bác sĩ nội soi và bác sĩ giải phẫu bệnh thường định nghĩa viêm dạ dày một cách khác nhau. Một số định nghĩa viêm dạ dày như là một phức hợp triệu chứng, một số khác như là biểu hiện nội soi bất thường của dạ dày, những người khác sử dụng thuật ngữ này để chỉ tình trạng viêm niêm mạc của dạ dày. Các tình trạng không viêm khác của dạ dày được gọi là bệnh dạ dày (gastropathy).
Có một mối liên quan yếu giữa viêm dạ dày trên mô học và các triệu chứng. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân bị viêm dạ dày nhưng không có triệu chứng. Mối liên hệ giữa các bất thường mô học và nội soi dạ dày cũng không chính xác. Trong một nghiên cứu trên 400 bệnh nhân, có 14% viêm dạ dày trên mẫu mô học mặc dù nội soi dạ dày bình thường; 20% khác khám nội soi dạ dày bất thường mà không thấy viêm dạ dày. Những bệnh nhân nội soi dạ dày bất thường không có viêm dạ dày thường có bệnh lý dạ dày phản ứng.
Phải sinh thiết dạ dày để có thể chẩn đoán được bệnh viêm dạ dày. Các chỉ định tiềm năng cho sinh thiết nội soi dạ dày có thể bao gồm bệnh nhân đang trải qua nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng vì chứng khó tiêu, bệnh nhân viêm trợt hoặc loét dạ dày, nếp dạ dày phì đại, polyp dạ dày hoặc khối u và để chẩn đoán nhiễm khuẩn Hp.
Trên thực tế, thuật ngữ “viêm dạ dày” bị lạm dụng để nói đến nhiều vấn đề khác của vùng bụng trên đặc biệt là khó tiêu chức năng (dyspepsia). Trong bài này, chúng tôi giới thiệu viêm dạ dày trên thực tiễn lâm sàng.

 

Viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày là tình trạng viêm, kích ứng hoặc ăn mòn của lớp niêm mạc dạ dày. Trên lâm sàng chia thành:
Viêm dạ dày cấp tính khởi phát bằng tình trạng viêm nặng, đột ngột. Viêm dạ dày cấp tính đặc trưng bởi sự ăn mòn (vùng tế bào niêm mạc bị phá vỡ hoặc mất tích) và không ăn mòn.
Viêm dạ dày mạn tính xảy ra lâu dài, có thể trong nhiều năm không được điều trị, được xác định bởi mô bệnh học.
Một thể viêm dạ dày ít phổ biến là viêm dạ dày ăn mòn, thường không gây ra viêm nhiều nhưng có thể dẫn đến chảy máu và loét niêm mạc dạ dày.
Không có bất kỳ hệ thống phân loại nào được chấp nhận rộng rãi mặc dù một số đã được đề xuất.

 

Triệu chứng
Các triệu chứng có thể gặp:
         Đau bụng hay khó tiêu
         Đầy hơi
         Chán ăn
         Buồn nôn hoặc nôn.
         Nôn ra máu hoặc chất như bả cà phê hoặc đi tiêu phân đen.
         Viêm dạ dày cấp tính cũng có thể kèm theo nấc cục.
 
Nhiều bệnh nhân viêm dạ dày mà không có các triệu chứng

 

Nguyên nhân
Viêm dạ dày là do hàng rào bảo vệ niệm mạc (lớp màng nhầy) yếu kém nên dịch tiêu hóa gây tổn thương và viêm niêm mạc dạ dày. Một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày.
Nhiễm Helicobacter pylori là một trong những nhiễm trùng phổ biến nhất của con người trên toàn thế giới, chỉ có một số người bị nhiễm bệnh phát triển viêm dạ dày. Là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày mạn và loét. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến viêm loét và ung thư dạ dày.  
 
 

Các yếu tố nguy cơ phổ biến khác:     
         Thuốc như aspirin hoặc các thuốc chống viêm như NSAID (thuốc chống viêm không steroid bao gồm aspirin và các sản phẩm gốc ibuprofen)
         Rượu, thuốc lá
Các yếu tố ít gặp khác:
         Ăn hoặc uống các hóa chất
         Trào ngược dịch mật
         Rối loạn tự miễn dịch (như lupus và viêm khớp dạng thấp, bao gồm cả bệnh Hashimoto và bệnh tiểu đường loại 1)
         Tiết quá mức acid dạ dày
         Nhiễm virus, nấm, ký sinh trùng
        Thiếu máu ác tính: Một dạng thiếu máu xảy ra khi dạ dày thiếu một chất tự nhiên cần thiết để hấp thụ và tiêu hóa đúng cách vitamin B12
        Căng thẳng tinh thần quá mức kèm với một chấn thương hay bệnh cấp tính nặng chẳng hạn như gần đây uống rượu mạnh, đại phẫu, chấn thương đầu, hoặc suy thận, gan hoặc hệ thống hô hấp.
         Các bệnh lý và rối loạn khác: Viêm dạ dày có thể kết hợp với các bệnh nội khoa như HIV/AIDS, bệnh Crohn và nhiễm ký sinh trùng.
         Tia xạ

 

Biến chứng
Nếu viêm dạ dày không được điều trị sẽ thành mạn tính, nó có thể gây loét, chảy máu, thủng dạ dày. Một vài thể viêm dạ dày có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư.
Trong trường hợp viêm dạ dày là do vi khuẩn heliobacter pylori có thể có tăng nguy cơ ung thư dạ dày hoặc ung thư hạch (bệnh ác tính của hệ thống bạch huyết)

 

Chẩn đoán
Sau khi xem xét bệnh sử cá nhân và gia đình bạn cũng như khám thực thể kỹ lưỡng, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sau đây để chẩn đoán viêm dạ dày:
         Nội soi: Để kiểm tra tình trạng viêm và có thể thực hiện sinh thiết một mẫu nhỏ mô dạ dày gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
         Các xét nghiệm tìm H. pylori: Để xác định xem bạn có vi khuẩn H. pylori không. H. pylori có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, kiểm tra qua hơi thở hoặc qua mẫu sinh thiết.
         X-quang đường tiêu hóa trên: Để tìm những bất thường về hình dạng, sự lưu thông, tình trạng viêm loét, ung thư của đường tiêu hóa.
Nếu bạn có một bệnh đường tiêu hóa dẫn đến kém hấp thu đáng kể, bác sĩ có thể đo lường một số vitamin và khoáng chất trong máu của bạn. Ví dụ viêm teo dạ dày là một bệnh dẫn đến kém hấp thu vitamin B12.
Nếu bạn phát hiện thiếu máu và bác sĩ tin rằng đó là do sự thiếu hụt dinh dưỡng, bạn có thể được đo mức độ sắt trong máu của bạn. Sắt là khoáng chất duy nhất có nồng độ trong máu tương quan với tổng lượng sắt được lưu trữ trong cơ thể của bạn.

 

Điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân, một số trường hợp viêm dạ dày sẽ từ từ hết mà không cần điều trị. Đối với những trường hợp khác, các thuốc kháng acid hoặc các thuốc khác là cần thiết để giảm hoặc trung hòa axit trong dạ dày, loại bỏ các triệu chứng và thúc đẩy sự lành bệnh. Bạn sẽ cần phải điều trị đặc biệt nếu bạn có loét dạ dày.
Bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn nên tránh các loại thực phẩm, đồ uống và thuốc làm trầm trọng thêm triệu chứng.
Đối với viêm dạ dày do Helicobacter pylori, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dừng thuốc hay bắt đầu bất kỳ một quá trình điều trị viêm dạ dày.

 

Ngăn ngừa viêm dạ dày
Bản thân viêm dạ dày không lây nhiễm nhưng những nguyên nhân như nhiễm vi trùng H.Pylori có thể lây qua đường phân sang miệng. Rửa tay sạch trước khi cầm thức ăn và vệ sinh thích hợp (hệ thống cống rãnh và nước) là bước đầu tiên chống lại sự lây lan. Nhiều người có thể bị viêm dạ dày sau khi bị nhiễm vi khuẩn H. pylori.
Bạn có thể làm giảm triệu chứng nếu:
     Ăn ít, ăn làm nhiều bữa nhỏ
     Loại bỏ hoặc giảm uống rượu, thuốc lá và thuốc kháng viêm non-steroid
     Tránh những thức ăn gây kích ứng dạ dày như đồ chua, cay, chiên hoặc béo, thức ăn nóng
     Viêm dạ dày gây ra bởi sự căng thẳng có thể được ngăn ngừa bằng cách loại trừ hoặc giảm căng thẳng
     Sủ dụng thuốc như thuốc ức chế bơm proton, giảm sản xuất acid dạ dày.

 

Tiên lượng của viêm dạ dày
Hầu hết viêm dạ dày cải thiện nhanh chóng một khi điều trị bắt đầu. Những người bị viêm dạ dày cấp tính thường hồi phục hoàn toàn và không có biến chứng. Tuy nhiên, viêm dạ dày mãn tính có thể có nhiều loại kết quả từ tốt (điều trị sớm) đến kém nếu các biến chứng nghiêm trọng phát triển (xem biến chứng). Hiếm khi, các biến chứng có thể xảy ra do viêm dạ dày cấp tính.

 

08/06/2021
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG