CHỈ ĐỊNH PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ GERD
Mặc dù một số phương pháp cải tiến để điều trị trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) đã đạt được mức độ phổ biến khiêm tốn trong 5 năm qua, các chỉ định cho phẫu thuật chống trào ngược có thay đổi rất ít và tạo van chống trào ngược vẫn là “tiêu chuẩn vàng” khi so sánh với tất cả các thủ thuật khác.
Chỉ định liên quan đường tiêu hóa
• Không đáp ứng điều trị nội khoa (tuân thủ liên tục trong 8-12 tuần với PPI). Đây là chỉ định phổ biến nhất cho những bệnh nhân GERD mức độ từ trung bình đến nặng (phân độ Los Angeles C hoặc D) có triệu chứng tại và/hoặc ngoài thực quản có đáp ứng nhưng không được trị khỏi hoàn toàn bằng thay đổi lối sống và PPI (thuốc ức chế bơm Proton như Nexium, Pantoloc…).
• Bệnh nhân ợ nóng được điều trị thuyên giảm bằng PPIs nhưng tiếp tục trào ngược nặng biểu hiện bằng các triệu chứng tiêu hóa điển hình như trớ; hoặc triệu chứng không điển hình, ngoài đường tiêu hóa như suyễn do hít, mòn rang.
• Bệnh nhân có các biến chứng chẳng hạn như hẹp thực quản do loét, thực quản Barrett không triệu chứng (đang tranh cãi) trong khi đang điều trị PPI 2 lần/ngày.
• Bệnh nhân GERD được ghi nhận rõ ràng mong muốn không còn lệ thuộc mặc dù kiểm soát triệu chứng tốt (thí dụ như tác dụng phụ, phải thay đổi lối sống, tốn kém…).
Chỉ định ngoài đường tiêu hóa
Khoảng một nửa số bệnh nhân bị GERD có các triệu chứng đường hô hấp trên, chẳng hạn như ho mãn tính, khàn giọng, viêm thanh quản, thở khò khè, hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, hít sặc hoặc mòn răng. Ngoài ra, hẹp thanh quản vô căn và thậm chí ung thư thanh quản cũng có liên quan. Cần có hội chẩn liên chuyên khoa trước khi quyết định phẫu thuật cho các trường hợp này vì vẫn có những tranh cãi trong chỉ định phẫu thuật.
• Bệnh nhân có các triệu chứng đau ngực được ghi nhận rõ ràng chẳng hạn như đau ngực, ho, khò khè.
• Bệnh nhân có tổn thương dây thanh trong khi đang điều trị PPI 2 lần/ngày (đang tranh cãi).
12/10/2021
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG
Nguồn:
Joel M. Sternbach and Nathaniel J. Soper (2019). Fundoplication for Gastroesophageal Reflux Disease. Shackelford's Surgery of the Alimentary Tract, Chapter 19, 234-247
Steven D Schwaitzberg, MD, FACS (2021). Surgical management of gastroesophageal reflux in adults. Uptodate.