3 năm trước 424

THOÁT VỊ KHE HOÀNH THỰC QUẢN

Thoát vị khe hoành thực quản là tình trạng các tạng trong ổ bụng, đặc biệt là dạ dày bị thoát vị qua khe thực quản của cơ hoành. Đây là nguyên nhân “giấu mặt” gây ra mệt mỏi dai dẳng cho người bệnh.

Khe hoành thực quản

Cơ hoành là một cơ mỏng, rộng nằm ngăn cách giữa bụng và ngực, có nhiệm vụ giúp bạn hít thở. Thực quản từ trong lồng ngực đi qua lỗ khe hoành của thực quản để xuống ổ bụng nối với dạ dày. Bình thường dạ dày nằm dưới cơ hoành trong ổ bụng.

 

Thoát vị khe hoành thực quản

Thoát vị xảy ra khi mô cơ (cột trụ) quanh lỗ khe hoành thực quản suy yếu và phần trên của dạ dày (cơ quan) chui qua lỗ khe hoành thực quản để đi vào lồng ngực. Hầu hết thoát vị khe hoành thực quản không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ, hiếm khi có một biến chứng đe dọa tính mạng thật sự biểu hiện.

 

 

Tần suất bệnh

Bệnh phổ biến hơn ở các nước phương Tây với tần số tăng lên theo độ tuổi, từ 10% ở những bệnh nhân < 40 tuổi, lên đến 70% ở những bệnh nhân > 70 tuổi mà cơ chế có lẽ do chế độ ăn uống ít chất xơ dẫn đến tình trạng táo bón mạn tính và rặn khi đi cầu. Bệnh gặp ở cả nam và nữ, thường > 50 tuổi, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá.

 

Triệu chứng

Nhiều người bị thoát vị khe hoành thực quản thường không có triệu chứng. Một số người có triệu chứng tương tự như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) (xem bài). Các triệu chứng có thể gặp:

    Ợ nóng

    Vị đắng hay chua ở cổ họng

    Đầy hơi và ợ hơi

    Nuốt khó

    Khó chịu hoặc đau bụng hoặc ngực

Dường như có mối liên hệ giữa thoát vị khe hoành và GERD, tuy nhiên, nhiều người bị thoát vị khe hoành mà không có GERD và những người có GERD mà không có thoát vị khe hoành.

 

Nguyên nhân

Nguyên nhân thật sự không rõ ràng nhưng tăng áp lực trong ổ bụng và những thay đổi liên quan đến tuổi có thể góp phần hình thành thoát vị khe hoành.

Tăng áp lực cao và liên tục lên mô cơ quanh khe hoành thực quản (cột trụ khe hoành) có thể do ho, nôn, rặn khi đi cầu, khiêng vác nặng hoặc căng thẳng về thể chất. Mang thai, béo phì, báng bụng nặng (dịch trong ổ bụng quá nhiều) cũng có thể dẫn đến thoát vị khe hoành.

Những nguyên nhân khác như chấn thương, lỗ khe hoành thực quản lớn bất thường khi sinh.

 

Phân loại

Thoát vị khe hoành thực quản được chia thành 4 thể:

     Loại 1: Chiếm tỉ lệ 95%. Đây là thoát vị kiểu trượt, trong đó tâm vị của dạ dày bị thoát vị lên lồng ngực. Loại này thường là thoát vị nhỏ, không gây triệu chứng gì và thường không cần điều trị.

     Loại 2: Chiếm tỉ lệ < 5%. Thoát vị cạnh thực quản (thoát vị kiểu cuốn), trong đó tâm vị vẫn ở vị trí bình thường trong ổ bụng, chỉ có đáy vị là bị thoát vị lên lồng ngực.

     Loại 3: Thể hỗn hợp của 2 loại trên.

     Loại 4: Thoát vị khổng lồ, gần như toàn bộ dạ dày bị xoắn ngược lên nằm trong lồng ngực, các tạng khác như đại tràng, lách cũng có thể chui lên theo.

     Loại 3 và 4 thực chất cũng là thoát vị loại 2, trong đó loại 3 chiếm 90%, loại 4 chiếm 2 – 5%.

 

 

 

Biến chứng

Thoát vị dạng trượt (loại 1) có thể gây viêm loét thực quản, chảy máu từ sang thương viêm loét thực quản.

Thoát vị cạnh thực quản (loại 2) thường có xu hướng nặng hơn theo thời gian, đôi khi toàn bộ dạ dày chui lên trong lòng ngực (loại 4).

Nguy cơ biến chứng nguy hiểm chủ yếu gặp ở loại 3 và 4. Dạ dày và tạng thoát vị bị giam giữ (kẹt), dẫn đến nghẹt, xoắn, thiếu máu, thủng, nhiễm trùng với tỉ lệ khoảng 5%.

Biến chứng này có khả năng gây chết người, do đó, can thiệp phẫu thuật là cần thiết. Bởi vì tỷ lệ tử vong cao kết hợp với loại thoát vị này, can thiệp phẫu thuật thường được lựa chọn bất cứ khi nào thoát vị cạnh thực quản được phát hiện.

 

Chẩn đoán

Tthoát vị khe hoành thường được phát hiện khi kiểm tra để xác định nguyên nhân gây ra ợ nóng, đau ngực hoặc đau bụng trên. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

     X-quang thực quản dạ dày cản quang. Chụp ở tư thế nằm đầu thấp có thể thấy rõ hình ảnh phần trên dạ dày nằm trong lòng ngực.

     Nội soi thực quản dạ dày

     Đo áp lực trong lòng thực quản

 

 

Điều trị

Hầu hết thoát vị khe hoành không gây ra triệu chứng và hiếm khi cần phải điều trị. Tuy nhiên, vì một số bệnh nhân bị thoát vị khe hoành có triệu chứng của GERD, điều trị bắt đầu với các phương pháp xử trí GERD (xem bài GERD).

 

Chỉ định phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp:

     Loại 1: Triệu chứng GERD mạn tính mức độ nặng không cải thiện với điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc).

     Loại 2, 3, 4: Phải được phẫu thuật vì nguy cơ biến chứng cao.

 

Các loại phẫu thuật như thế nào?

Phẫu thuật nhằm mục đích kéo tạng thoát vị (dạ dày) xuống trở lại ổ bụng và lấy đi túi thoát vị, tái tạo lỗ khe hoành thực quản nhỏ lại, và tạo ra một van chống trào ngược dịch dạ dày vào thực quản.

Có nhiều kiểu chống trào ngược, các phương pháp phổ biến như Nissen, Toupet, Dor…

Nếu không chống trào ngược, trào ngược dạ dày thực quản mạn tính có thể gây ra các biến chứng như viêm loét thực quản, chảy máu hoặc sẹo của thực quản.

Phẫu thuật có thể được tiến hành bằng phương pháp mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi (xem video nâng cao).

 

Hiệu quả của phẫu thuật

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị khe hoành thực quản và chống trào ngược có hiệu quả khoảng 90% trong hầu hết các bệnh nhân.

Phẫu thuật này đòi hỏi phải gây mê toàn thân (nội khí quản) và hường phải nằm viện vài ngày sau mổ.

Sau khi phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân không còn đòi hỏi phải điều trị lâu dài với thuốc.

 

Ngăn ngừa thoát vị khe hoành thực quản

Bạn không thể ngăn ngừa được thoát vị khe hoành thực quản nhưng có thể tránh làm cho bệnh nặng thêm lên bằng cách:

     Giảm cân

     Không rặn khi đi cầu

     Không khiêng vật nặng

     Tránh mặc quần hay thắt dây nịt quá chặt và một vài bài tập bụng

Thay đổi lối sống giúp giảm triệu chứng trào ngược do thoát vị gây ra. Xem bài GERD

 

Cập nhật 7/10/2021

TS.BS Đỗ Minh Hùng