TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY
Tầm soát là phát hiện được bệnh trước khi có bất kỳ triệu chứng nào. Điều này có thể giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị dễ dàng hơn bởi vì ở thời điểm xuất hiện triệu chứng, ung thư đã có thể bắt đầu lây lan.
Ung thư dạ dày là một trong những ung thư thường gặp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ rệt về tỉ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày giữa các vùng. Giá trị của tầm soát ung thư dạ dày ở những bệnh nhân không triệu chứng là vấn đề tranh cải ngay cả ở những vùng có tỉ lệ ung thư dạ dày khá cao.
CÁC PHƯƠNG TIỆN ĐỂ TẦM SOÁT
Các xét nghiệm được sử dụng để tầm soát các loại ung thư khác nhau. Hiện không có xét nghiệm tầm soát chuẩn hoặc thường quy nào cho bệnh ung thư dạ dày. Có 2 phương pháp chính để tầm soát ung thư dạ dày là nội soi đường tiêu hóa trên và chụp X-quang dạ dày cản quang.
Nội soi đường tiêu hóa trên là phương pháp tầm soát một bước. Nội soi cho phép nhìn trực tiếp niêm mạc dạ dày và sinh thiết để chẩn đoán xác định ung thư cũng như các sang thương tiền ung thư như viêm teo dạ dày, chuyển sản ruột, hoặc loạn sản dạ dày. Mặc dù phương pháp này xâm lấn hơn và có giá thành cao hơn nhưng nó có độ chẩn đoán chính xác cao hơn với những sang thương khác của dạ dày. Ngày nay, với các thế hệ máy nội soi mới giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và được điều trị triệt căn cũng bằng nội soi, giúp cải thiện tiên lượng và chất lượng sống đáng kể.
Theo các khuyến cáo nên dành đủ thời gian để kiểm tra niêm mạc, tối thiểu là 7 phút được khuyến cáo, với các dữ liệu cho thấy tăng gấp ba lần chẩn đoán u tuyến dạ dày và ung thư. Nội soi dạ dày chất lượng cao bao gồm đánh giá tất cả tám mốc giải phẫu (thực quản trên, chỗ nối dạ dày-thực quản, đáy vị (nhìn ngược máy), thân, góc bờ cong nhỏ (nhìn quặt ngược máy), hang vị, bóng tá tràng và thứ hai phần tá tràng) và các vùng có nguy cơ cao. Để hoàn thiện, các mốc này và bất kỳ tổn thương nào được phát hiện phải được ghi lại bằng hình ảnh.
X-quang dạ dày cản quang là phương pháp tầm soát hai bước. Chụp đối quang kép có thể xác định loét dạ dày ác tính, những sang thương thâm nhiễm và một số ung thư dạ dày sớm. Tuy nhiên, tỉ lệ âm tính giả lên đến 50% và độ nhạy trong phát hiện ung thư dạ dày sớm chỉ 14%. Bệnh cảnh mà x-quang có chẩn đoán tốt hơn nội soi dạ dày là ung thư thể thâm nhiễm linitis plastica.
Các xét nghiệm khác:
Mức pepsinogen máu. Một xét nghiệm đo nồng độ pepsinogen trong máu. Mức độ thấp của pepsinogen là một dấu hiệu của viêm teo dạ dày mạn tính có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Trefoil factor 3 máu. Yếu tố Trefoil 3 (TFF3) thuộc họ TFF, bao gồm 3 protein bài tiết ổn định được biểu hiện cùng với các chất nhầy từ các tế bào biểu mô của đường tiêu hóa. Sự kết hợp của pepsinogen và TFF3 có thể mang lại độ nhạy cao hơn với ung thư dạ dày.
MicroRNS. Có ít nhất 3 microRNA là miRNA-421, miRNA 18a, và miR-106a hiện diện cao trong ung thư dạ dày và được phát hiện trong máu ngoại biên và dịch hút dạ dày.
CHIẾN LƯỢC TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY
Tầm soát ung thư dạ dày là vấn đề còn tranh cãi và những đề xuất tầm soát khác nhau dựa trên tỉ lệ mắc ung thư dạ dày.
Các nghiên cứu cho thấy việc tầm soát một số lượng lớn người dân đối với ung thư dạ dày sử dụng các xét nghiệm này đã không làm giảm nguy cơ tử vong vì ung thư dạ dày.
Tầm soát dựa trên dân số đã được thực hiện ở một số nước có tỉ lệ ung thư dạ dày cao như Nhật bản, Hàn quốc, Venezuela và Chile. Tuy nhiên, các phương pháp tầm soát được đề nghị và thời gian kiểm tra khác nhau. Thí dụ như:
Ở Nhật, tầm soát được đề nghị cho lứa tuổi từ 50 trở lên bằng chụp x-quang đối quang kép mỗi năm hoặc nội soi đường tiêu hóa trên mỗi 2-3 năm.
Ở Hàn quốc, nội soi đường tiêu hóa trên được đề nghị mỗi 2 năm cho những người tuổi từ 40-75.
Ở các nước như Nhật Bản, nơi mà ung thư dạ dày rất phổ biến, tầm soát rộng rãi trong dân số đã giúp phát hiện nhiều trường hợp ung thư ở giai đoạn sớm có thể điều trị khỏi. Điều này có thể làm giảm số người chết vì căn bệnh này nhưng điều này chưa được chứng minh. Các nhà khoa học tin rằng những người có các yếu tố nguy cơ nhất định có thể được hưởng lợi từ việc tầm soát ung thư dạ dày.
Tầm soát chọn lọc ở những nhóm nguy cơ cao
Những bệnh nhân có nguy cơ cao nên được tầm soát bằng nội soi đường tiêu hóa trên bao gồm:
U tuyến dạ dày
Thiếu máu ác tính
Chuyển sản ruột của dạ dày
Polyp tuyến gia đình (FAP)
Hội chứng Lynch
Hội chứng Peutz-Jeghers
Hội chứng đa polyp ở vị thành niên
Những bệnh nhân có nguy cơ cao này được tầm soát bằng chiến lược riêng.
Điều quan trọng là, những bệnh nhân có nguy cơ cao từ các gia đình bị ung thư dạ dày lan tỏa di truyền không phải là đối tượng thích hợp để tầm soát vì những khối u này có xu hướng phát sinh bên dưới niêm mạc còn nguyên vẹn và không phát hiện được bằng X quang và nội soi. Thay vào đó, cắt dạ dày dự phòng được khuyến cáo mạnh ở những người này.
NHỮNG NGUY CƠ CỦA TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY
Việc tầm soát ung thư dạ dày có thể có những nguy cơ sau đây:
Tầm soát có thể không cải thiện sức khỏe của bạn hoặc giúp bạn sống lâu hơn nếu ung thư dạ dày đã tiến triển.
Một số ung thư không bao giờ gây ra các triệu chứng hoặc đe dọa tính mạng, nhưng nếu phát hiện bởi một xét nghiệm tầm soát, ung thư có thể được điều trị. Người ta không biết điều trị bệnh ung thư sẽ giúp bạn sống lâu hơn hay nếu không điều trị và phương pháp điều trị ung thư có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Âm tính giả.
Kết quả kiểm tra có thể bình thường mặc dù bệnh ung thư dạ dày là có. Một người nhận được một kết quả âm tính giả có thể trì hoãn việc chữa trị ngay cả khi có triệu chứng.
Dương tính giả.
Kết quả kiểm tra có thể xuất hiện bất thường mặc dù thực tế không có bệnh ung thư. Một kết quả xét nghiệm dương tính giả có thể gây ra sự lo lắng và tiếp tục tìm kiếm bởi nhiều xét nghiệm và tiến trình cũng có rủi ro. Các tác dụng phụ có thể gây ra bởi chính các xét nghiệm tầm soát.
Nội soi có thể gây ra các tai biến hiếm gặp như
Thủng thực quản hoặc dạ dày.
Vấn đề tim mạch.
Khó thở.
Viêm phổi phổi do hít phải thức ăn, chất lỏng hoặc axit dạ dày vào phổi.
Chảy máu nghiêm trọng cần phải được điều trị tại một bệnh viện.
Phản ứng với thuốc sử dụng trong quá trình soi.
Tại Việt nam, theo Globocan 2020, ung thư dạ dày có tỉ lệ mắc đứng hàng thứ 4 sau ung thư gan, phổi và vú, tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Chúng tôi đã từng mổ cho những bệnh nhân trong độ tuổi 20, bệnh ở giai đoạn tiến triển nên tiên lượng sống không tốt. Chúng tôi khuyến cáo nên tầm soát ở tuổi từ 45, nội soi mỗi 3 năm cho những đối tượng không phải nguy cơ cao.
Update 25/05/2021
TS.BS ĐỖ MINH HÙNG