NHIỄM KHUẨN HELICOBACTER PYLORI (H. Pylori)
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP) được công nhận là một nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng và tái phát của bệnh. Ngày nay, khoa học tìm thấy nhiễm HP là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư dạ dày.
H. Nhiễm H. Pylori là gì?
H. pylori là vi khuẩn hình xoắn ốc (xoắn khuẩn) sinh trưởng ở đường tiêu hóa và có xu hướng tấn công niêm mạc dạ dày. Nhiễm H. pylori thường vô hại, nhưng nó là nguyên nhân chính yếu gây ra các vết loét ở dạ dày tá tràng (90% người loét dạ dày tá tràng nhiễm HP) và là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư
H. pylori là một loại vi khuẩn phổ biến gây viêm nhiễm ở dạ dày. Nó hiện diện ở hơn một nửa dân số trên thế giới.
H. pylori thường lây nhiễm vào dạ dày của bạn trong thời thơ ấu. Nhiễm trùng với chủng vi khuẩn này thường không gây triệu chứng nhưng nó có thể gây ra bệnh ở một số người, như viêm và loét dạ dày tá tràng.
H. pylori sống thích nghi với môi trường axit của dạ dày. Những vi khuẩn này có thể thay đổi môi trường xung quanh chúng và làm giảm độ axit của nó để có thể sống sót. Hình dạng của H. pylori cho phép nó xâm nhập vào niêm mạc và dưới niêm mạc dạ dày, nơi nó được bảo vệ bởi chất nhờn và các tế bào miễn dịch của cơ thể bạn không thể tiếp cận nó. Các vi khuẩn có thể gây trở ngại với các đáp ứng miễn dịch của cơ thể và đảm bảo rằng nó không bị phá hủy. Điều này có thể gây ra các bệnh lý của dạ dày.
H. Triệu chứng của nhiễm H. Pylori là gì?
Hầu hết những người có H. pylori không có bất kỳ triệu chứng nào.
Khi nhiễm trùng dẫn đến loét, các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, đặc biệt là khi dạ dày đang trống vào ban đêm hoặc vài giờ sau bữa ăn. Cơn đau thường được mô tả như cồn cào trong bụng và đau từng cơn. Ăn hoặc uống thuốc kháng acid có thể làm giảm cơn đau này.
Một số triệu chứng khác có thể kết hợp với nhiễm H. pylori, bao gồm:
Ợ nóng quá mức
Cảm giác đầy bụng
Buồn nôn hoặc nôn mửa
Biếng ăn
Giảm cân không rõ nguyên nhân
Tuy nhiên, Những triệu chứng phổ biến này có thể gây ra bởi bệnh lý khác. Một số triệu chứng của nhiễm H. pylori cũng có thể gặp ở những người khỏe mạnh.
H. Nguyên nhân gây nhiễm HP là gì?
Cách HP lây lan vẫn không được biết rõ. Các vi khuẩn đã cùng chung sống với con người trong nhiều ngàn năm. Các bệnh nhiễm trùng được cho là lây lan từ miệng của người này sang người khác. HP cũng có thể được lây lan từ phân đến miệng. Điều này có thể xảy ra khi một người không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh. H. pylori cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với nước bị ô nhiễm hoặc thực phẩm.
Các vi khuẩn được cho là gây ra viêm nhiễm ở dạ dày khi chúng thâm nhập vào lớp niêm mạc của dạ dày và tạo ra những chất trung hòa axit dạ dày. Điều này làm cho các tế bào dạ dày dễ bị tổn thương hơn trong môi trường acid. Acid dạ dày và H. pylori cùng nhau gây kích ứng niêm mạc dạ dày và có thể gây viêm loét ở dạ dày hoặc tá tràng.
H. Ai có nguy cơ bị nhiễm H. Pylori?
Trẻ em có nhiều nguy cơ cao nhiễm H. pylori, chủ yếu là do thiếu vệ sinh một cách thích hợp.
Nguy cơ nhiễm HP phụ thuộc vào môi trường và điều kiện sống của bạn. Nguy cơ nhiễm của bạn cao hơn nếu bạn:
Sống trong một đất nước đang phát triển
Sống chung nhà với những người bị nhiễm H. pylori
Sống trong nhà quá đông người
Không có nước nóng
Ngày nay, người ta hiểu rằng loét dạ dày tá tràng không gây ra bởi sự căng thẳng lo âu hoặc ăn các thực phẩm có độ acid cao, mà bệnh thực sự gây ra bởi vi khuẩn HP.
Khoảng 10% người nhiễm H. pylori có tiến triển thành loét dạ dày tá tràng. Sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng loét dạ dày tá tràng.
H. Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm H. Pylori?
Các xét nghiêm và tiến trình được sử dụng để xác định chẩn đoán bao gồm:
Xét nghiệm máu. Đây là thử nghiệm bằng phương pháp ELISA, là thử nghiệm được sử dụng để phát hiện kháng thể IgG kháng H. P. Xét nghiệm có độ nhạy trên 90%. Nhưng xét nghiệm huyết thanh ít được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi sau khi điều trị tiệt trừ H.P vì kháng thể vẫn tồn tại từ 6 tháng đến 1 năm kể từ khi bị nhiễm H.P và sau khi tiêu diệt.
Kiểm tra hơi thở C13 hoặc C14. Nghiệm pháp thở là phương pháp đơn giản, dễ chấp nhận hơn các thử nghiệm phụ thuộc vào nội soi. Đây là xét nghiệm thường được sử dụng để đánh giá sau điều trị và cho trẻ em. Xét nghiệm này cho kết quả với độ chính xác cao tuy nhiên, cần ngưng các thuốc dạ dày 2 tuần, thuốc kháng sinh 4 tuần trước khi làm xét nghiệm.
Xét nghiệm phân. Đây là một thử nghiệm ELISA nhằm phát hiện kháng nguyên của H.P trong phân. Độ chính xác cao kể cả sau khi đã tiệt trừ H. Giống với xét nghiệm hơi thở, PPI và bismuth subsalicylate có thể ảnh hưởng đến kết quả của thử nghiệm này, do đó bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngưng dùng chúng trong hai tuần trước khi xét nghiệm.
Nội soi. Bạn được nội soi dạ dày, sinh thiết mẫu niêm mạc và đưa vào môi trường thạch (men ureas) để thử vi trùng HP. Xét nghiệm dương tính khi có sự hiện diện men urease làm giải phóng NH3, làm tăng pH và biểu hiện bằng việc đổi màu chỉ thị từ vàng sang đỏ tía. Đây là một xét nghiệm nhanh chóng, đơn giản, rẻ tiền và hữu hiệu để chẩn đoán H.P với độ chính xác cao.
H. Các biến chứng của nhiễm khuẩn H. Pylori là gì?
Nhiễm H. pylori có thể dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng nhưng chính sự viêm nhiễm hoặc loét có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:
Xuất huyết từ ổ loét dạ dày tá tràng
Tắc nghẽn khi ổ loét làm nghẹt đường thoát lưu thức ăn khỏi dạ dày
Thủng, có thể xảy ra khi bị viêm loét xuyên qua thành dạ dày của bạn
Viêm phúc mạc
Các nghiên cứu cho thấy những người bị nhiễm khuẩn có nguy cơ cao ung thư tuyến dạ dày.
H. Làm thế nào điều trị H. Pylori?
Nếu bạn bị nhiễm H. pylori mà không gây ra bất kỳ vấn đề gì và bạn không thuộc nhóm nguy cơ cao ung thư dạ dày, điều trị có thể không cần thiết.
Điều trị bằng các phác đồ có kháng sinh và thay đổi lối sống.
Cần diệt HP trong những trường hợp sau:
Loét dạ dày tá tràng
Khó tiêu chức năng (Dyspepsia)
Ung thư dạ dày đã phẫu thuật
Điều trị HP dự phòng ung thư dạ dày khi bạn có nhữngyếu tố nguy cơ ung thư dạ dày:
Bạn có người thân kế cận bị ung thư dạ dày
Khối u dạ dày dạng u tân sinh, polyp đã được cắt
Viêm teo niêm mạc dạ dày
Làm ở môi trường nguy cơ
Quá lo lắng về ung thư dạ dày
H. Tiên lượng lâu dài như thế nào?
Đối với nhiều người nhiễm H. pylori, nhiễm trùng của họ không bao giờ gây ra bất kỳ vấn đề gì. Nếu bạn đang bị nhiễm và điều trị, tiên lượng lâu dài thường tốt.
Đối với những người phát bệnh liên quan đến nhiễm H. Pylori, tiên lượng sẽ phụ thuộc vào vấn đề làm thế nào để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bạn có thể cần phải mất nhiều hơn một chu kỳ điều trị để diệt vi khuẩn H. pylori. Nếu nhiễm trùng vẫn còn hiện diện sau một đợt điều trị, loét đường tiêu hóa có thể tái phát hoặc hiếm hơn, ung thư dạ dày có thể phát triển. Dù thế, rất ít người nhiễm H. pylori sẽ phát triển thành ung thư dạ dày. Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, bạn nên được xét nghiệm và điều trị triệt căn vi khuẩn H. pylori.