3 năm trước 405

NỨT HẬU MÔN

Nứt hậu môn là bệnh lý phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi do chế độ ăn uống ít chất xơ, kém vận động. Tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng cũng gây ít phiền toái cho người bệnh.
 

H. Nt hậu môn là gì?

Nứt hậu môn là một vết rách nhỏ ở niêm mạc hậu môn. Nó có thể xảy ra khi phân to hoặc cứng đi qua, rặn trong khi sinh hoặc trải qua những đợt táo bón hay tiêu chảy.

Nứt hậu môn có thể gây đau nhói và chảy máu trong và sau khi đi cầu. Nó cũng có thể gây ngứa và nóng rát ở vùng hậu môn.

Nứt hậu môn thường là một bệnh nhẹ có thể khỏi trong vòng 6 tuần. Điều trị tại nhà có thể giúp giảm đau một cách dễ dàng và lành bệnh.

H. Ai có thể bị nứt hậu môn?

Nứt hậu môn tương đối phổ biến, với ước tính 1 trong mỗi 10 người bị ảnh hưởng tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ.

Nứt hậu môn ảnh hưởng đến cả hai giới như nhau và xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 và 30.

H. Các triệu chứng của nứt hậu môn là gì?

Nứt hậu môn có thể gây ra một hoặc nhiều các triệu chứng sau:

Một vết rách có thể nhìn thấy ở da xung quanh hậu môn

Một mụn cơm có cuống (skin tag) hoặc khối u nhỏ trên da, bên cạnh vết rách

Đau rát ở hậu môn trong khi đi cầu

Vệt máu trong phân hoặc trên giấy sau khi lau

Nóng hoặc ngứa ở vùng hậu môn

H. Biến chứng của bệnh là gì?

Nứt hậu môn không lành sau 6 tuần sẽ trở thành mạn tính.

Những người từng bị nứt hậu môn một lần, có nguy cơ sẽ bị lần khác (tái phát).

Nứt hậu môn có thể ăn sâu vào cơ vòng hậu môn làm cho vết nứt khó lành.

H. Nguyên nhân của nứt hậu môn là gì?

Nứt hậu môn thường xảy ra nhất khi phân to hoặc cứng đi quan. Táo bón mạn tính hoặc tiêu chảy thường xuyên cũng có thể làm rách da xung quanh hậu môn. Những nguyên nhân phổ biến khác bao gồm:

    Bệnh Crohn hoặc bệnh viêm ruột (IBD) khác

    Rặn trong khi sinh

    Giảm lưu lượng máu đến vùng hậu môn trực tràng

    Cơ thắt hậu môn quá chặt hoặc co cứng

Những trường hợp hiếm, nứt hậu môn có thể do:

    Ung thư hậu môn

    HIV

    Bệnh lao

    Bệnh giang mai

    Herpes

H. Làm thế nào để chẩn đoán nứt hậu môn?

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán nứt hậu môn chỉ đơn giản bằng cách khám vùng quanh hậu môn và khám hậu môn bằng ngón tay.

Nội soi hậu môn trực tràng giúp ích cho chẩn đoán bệnh cũng như tìm những nguyên nhân khác như trĩ...

H. Điều trị nứt hậu môn như thế nào?

Hầu hết các vết nứt hậu môn không cần điều trị quá mức. Một vài biện pháp tại nhà có thể giúp thúc đẩy chữa lành bệnh và làm giảm các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, nếu vết nứt không lành trong 6 - 8 tuần, bệnh nhân cần điều trị thuốc hoặc thậm chí phải phẫu thuật.

Bạn có thể điều trị một vết nứt hậu môn ở nhà bằng cách:

    Sử dụng chất làm mềm phân

    Bổ sung chất xơ và tăng lượng thức ăn xơ, chẳng hạn như trái cây tươi và rau quả

    Tắm nước ấm để thư giãn cơ hậu môn, làm giảm kích ứng và tăng lưu lượng máu đến vùng hậu môn trực tràng

    Bôi thuốc mỡ nitroglycerin để thúc đẩy lưu lượng máu đến vùng hậu môn và thúc đẩy lành bệnh

    Bôi các thuốc giảm đau tại chỗ vào hậu môn để giảm bớt sự khó chịu

Bác sĩ cũng có thể cho thuốc mở ức chế kênh canxi để giúp giãn các cơ thắt và cho phép vết nứt lành.

Chích Botox vào cơ vòng hậu môn. Việc tiêm sẽ ngăn chặn sự co thắt ở hậu môn bằng cách làm tê liệt các cơ tạm thời. Điều này cho phép vết nứt lành trong khi ngăn chặn vết nứt mới hình thành.

Nếu nứt hậu môn không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt cơ thắt hậu môn.

Nứt hậu môn đáp ứng kém với điều trị hoặc không nằm ở phần sau và đường giữa hậu môn có thể chỉ ra một căn bệnh tiềm ẩn như bệnh lao, HIV hoặc ung thư trực tràng…cần phải tìm ra nguyên nhân để có thể điều trị triệt để.

H. Chăm sóc sau mổ như thế nào?

Cắt cơ thắt được thực hiện như một thủ thuật ngoại trú và bệnh nhân trở về nhà cùng ngày, nhiều bệnh nhân có thể trở lại hoạt động vào ngày hôm sau.

     Ngâm hậu môn với nước muối ấm 3-4 lần một ngày và sau mỗi lần đi tiêu giúp giảm cơn đau và làm sạch vết  mổ. Không sử dụng giấy vệ sinh mà nên rửa bằng nước ấm sau khi đi tiêu. Vết mổ sẽ rỉ dịch vàng ít nhất 7-14 ngày.  Dịch tiết sẽ giảm dần và sẽ hết hẳn vào khoảng tuần thứ tư.

     Dùng thuốc giảm đau và dùng thuốc nhuận trường để ngăn chặn táo bón.

     Tránh ngồi hoặc đứng lâu, tránh khiêng vác nặng vì làm tăng nguy cơ chảy máu.

     Ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón.

     Tái khám tại cơ sở y tế để đảm bảo vết thương đã lành

H. Biến chứng của phẫu thuật là gì?

Biến chứng phẫu thuật có thể gặp:

     Nhiễm trùng (1-2%)

     Chảy máu

     Rò hậu môn (<1%)

     Đi cầu mất tự chủ (là biến chứng đáng sợ nhất) (12-27%)

H. Làm thế nào để có thể phòng ngừa nứt hậu môn?

Nứt hậu môn có thể không được ngăn chặn nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau đây:

    Thay tã thường xuyên ở trẻ

    Giữ vùng hậu môn khô

    Làm sạch vùng hậu môn nhẹ nhàng với xà bông và nước ấm

    Tránh táo bón bằng cách uống nhiều nước, ăn thức ăn dạng sợi và tập thể dục thường xuyên

    Điều trị tiêu chảy ngay lập tức

   


TS.BS Đỗ Minh Hùng