3 năm trước 358

ÁP XE HẬU MÔN TRỰC TRÀNG


Áp xe hậu môn - trực tràng là sự tích tụ mủ khu trú quanh hậu môn trực tràng mà nếu không lành đúng cách, nó gây đau dữ dội và phải phẫu thuật.

Áp xe hậu môn – trực tràng là gì?

Áp xe hậu môn trực tràng là một nhiễm trùng cấp tính tụ mủ quanh hậu môn – trực tràng. Đa số các trường hợp áp xe hậu môn – trực tràng là kết quả của viêm nhiễm các tuyến nhỏ vùng hậu môn.

     Một áp xe quanh trực tràng là sự tụ mủ trong các mô sâu xung quanh hậu môn. Ngược lại, áp xe quanh hậu môn là sự tụ mủ nông dưới da xung quanh hậu môn. Tuy nhiên, cả hai đôi khi được mô tả như là một áp xe hậu môn.


     Cả hai loại áp xe cần chăm sóc y tế ngay lập tức. Tuy nhiên, áp xe quanh trực tràng thường là nhiễm trùng nặng hơn.

     Chậm trễ trong điều trị có thể làm bệnh càng xấu đi và gây ra những biến chứng không đáng có.

H. Các triệu chứng của áp xe hậu môn – trực tràng là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của áp xe hậu môn bao gồm các triệu chứng sau:

Áp xe ở nông ngoài da.

     Đau vùng hậu môn rất nhiều, đau liên tục và bệnh nhân rất khó khăn khi ngồi.

     Sưng tấy quanh hậu môn

     Nhìn da quanh hậu môn nơi chổ áp xe thấy đỏ và sờ sẽ thấy nóng hơn so với xung quanh

     Đôi khi có sốt, ớn lạnh


Áp xe nằm trong sâu.

     Có thể ít đau đớn nhưng gây các triệu chứng nhiễm độc như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi

     Có thể không có những phát hiện quanh hậu môn nhưng khám trực tràng bằng ngón tay có thể phát hiện một chỗ sưng đau ở thành của trực tràng. Cũng có thể gặp chảy mủ từ trực tràng.

     Áp xe trực tràng tiểu khung ở cao có thể gây đau bụng dưới và sốt mà không có triệu chứng của trực tràng. Đôi khi sốt là triệu chứng duy nhất.

H. Tần suất của bệnh như thế nào?

Khoảng 30% bệnh nhân bị áp xe hậu môn trực tràng có tiền sử trước đó bị áp xe tương tự được thoát lưu mủ một cách tự nhiên hoặc cần can thiệp phẫu thuật.

Tỷ lệ hình thành áp xe dường như là cao hơn vào mùa xuân và mùa hè.

Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, tỉ lệ nam mắc bệnh gấp 2-3 lần ở nữ.

H. Nguyên nhân gây ra bệnh là gì?

Nguyên nhân thường gặp của áp xe hậu môn bao gồm:

     Tắc nghẽn các tuyến của hậu môn

     Nhiễm trùng của vết nứt hậu môn

     Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Áp xe hậu môn ở sâu có thể gây ra bởi các bệnh lý đường ruột như bệnh viêm túi thừa hoặc Crohn.

H. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh là gì?

Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ bị áp xe hậu môn – trực tràng:

     Quan hệ tình dục qua đường hậu môn

     Thuốc hóa trị liệu được sử dụng để điều trị ung thư

     Bệnh tiểu đường

     Bệnh viêm đường ruột (IBD) như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng (UC)

     Bệnh viêm đại tràng như IBS

     Túi thừa đại tràng

     Viêm nhiễm vùng chậu

     Sử dụng các loại thuốc corticosteroid

     Suy giảm hệ thống miễn dịch (chẳng hạn như HIV / AIDS), bệnh lao

     Ung thư hậu môn trực tràng.

H. Chẩn đoán áp xe hậu môn – trực tràng bằng cách nào?

Chẩn đoán áp xe hậu môn – trực tràng không khó khăn qua thăm khám vùng hậu môn. Trong các trường hợp khó khăn hơn bác sĩ có thể kết hợp thêm siêu âm vùng hậu môn, chụp CTsan hoặc MRI để có chẩn đoán chính xác (những trường hợp áp xe nằm cao trên cơ nâng cần phải xác định chính xác nhiễm trùng ổ bụng)

Áp xe hậu môn thường xếp thành 4 loại là


     Quanh hậu môn

     Hố ngồi trực tràng

     Gian cơ thắt  

     Trên cơ nâng hậu môn

H. Điều trị áp xe hậu môn – trực tràng bằng cách nào?

Hiếm khi áp xe tự khỏi và kháng sinh dùng đơn độc thường không thể điều trị khỏi áp xe.

Điều trị bao gồm phẫu thuật để mở và dẫn lưu mủ từ các ổ áp-xe, kết hợp với sử dụng giảm đau và kháng sinh.

Phẫu thuật rạch tháo lưu mủ có thể tiến hành trong khoảng 30 phút.

Đối với các áp xe nhỏ nằm gần ngoài da bác sỹ có thể tê tại chổ để rạch tháo mủ ổ áp xe.

Các trường hợp khối áp xe lớn hay nằm trong sâu bác sỹ sẽ sử dụng phương pháp tê tuỷ sống để có thể giảm đau tốt cho phẫu thuật.

H. Biến chứng sau phẫu thuật có thể gặp là gì?

Biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật:

     Nhiễm trùng

     Rò hậu môn

     Áp xe tái phát

     Đau liên tục

     Sẹo

H. Khi nào bạn có thể xuất viện?

Nếu bác sỹ sử dụng phương pháp tê tại chổ, sau phẫu thuật bạn có thể xuất viện trong ngày, bác sỹ sẽ cho bạn thuốc kháng sinh và giảm đau về nhà.

Nếu phải sử dụng phương pháp tê tuỷ sống bạn cần nằm viện sau phẫu thuật khoảng 1 – 2 ngày.

H. Khi nào bạn có thể đi làm trở lại?

Sau phẫu thuật bạn có thể còn đau trong khoảng 3 – 5 ngày, trong thời gian này bác sỹ sẽ cho bạn thuốc giảm đau nhưng bạn cần nghỉ ngơi và vệ sinh vùng mổ nên đi làm vào thời điểm này không được khuyến khích. Sau 7 ngày bạn có thể đi làm trở lại nhưng bạn không nên ngồi lâu.

H. Chăm sóc sau mổ như thế nào?

Sau phẫu thuật bạn cần thay băng vết mổ 2 lần ngày, việc này nên được thực hiện bởi điều dưỡng chuyên khoa. Trong quá trình thay băng có thể gây đau cho bạn nhưng điều này là cần thiết vì vết thương cần được rửa sạch để lành tốt. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau nửa giờ trước khi thay băng.

Bạn có thể uống thuốc giảm đau và kháng sinh trong vài ngày tùy theo tình trạng bệnh của bạn.

H. Làm cách nào để ngăn ngừa áp xe hậu môn – trực tràng?

Không có nhiều hiểu biết về cách phòng ngừa áp xe hậu môn - trực tràng nhưng có một số cách bạn có thể thực hiện.

     Bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và điều trị kịp thời là rất quan trọng đối với bất kỳ nhiễm trùng. sử dụng bao cao su, đặc biệt là trong quan hệ tình dục qua đường hậu môn, là chìa khóa trong việc ngăn ngừa bệnh STI có thể gây áp xe hậu môn.

     Giữ vệ sinh tốt và sạch sẽ khu vực hậu môn thì quan trọng, để bảo vệ cho cả trẻ em và người lớn.

H. Tiên lượng của bệnh như thế nào?

Nhìn chung tỷ lệ tử vong từ các ổ áp xe hậu môn – trực tràng là khá thấp.

Áp xe tái phát ở khoảng 10% bệnh nhân, với rò hậu môn xảy ra trong hơn 50% số bệnh nhân.

   

ThS.BS Phan Thanh Tuấn
TS.BS Đỗ Minh Hùng