3 năm trước 301

RÒ HẬU MÔN


Rò hậu môn, dân gian thường gọi là bệnh “mạch lươn”, là một bệnh thường gặp trong ngoại khoa chỉ đứng sau bệnh trĩ. Khi bệnh xảy ra nếu không được điều trị đúng cách sẽ bị tái phát.

H. Bệnh rò hậu môn là gì?

Rò hậu môn là một đường rò giữa da bên ngoài và bên trong ống hậu môn, là hậu quả nhiễm khuẩn khu trú tái diễn ở các tuyến tiết dịch ở hậu môn. Sự nhiễm khuẩn này tạo thành áp xe cạnh lỗ hậu môn hoặc hóa mủ rồi vỡ vào trong lòng ống hậu môn. Khoảng 50% trong số những ổ áp xe có thể phát triển thành một lỗ rò hậu môn.

H. Các triệu chứng của rò hậu môn là gì?

Các triệu chứng hoặc dấu hiệu của một lỗ rò hậu môn có thể:

    Áp xe hậu môn tái phát. Bệnh nhân nổi nhọt cạnh hậu môn tự vỡ hay được rạch dẫn lưu mà không lành hẳn, cứ tái đi tái lại trong nhiều tháng hay nhiều năm. Mủ chảy ra từ trong lòng hậu môn hoặc từ một lỗ hay nhiều lỗ nhỏ nằm cạnh hậu môn.

    Đau và sưng xung quanh hậu môn

    Đau khi đi cầu

    Chảy máu

    Có máu hoặc dịch có mùi hôi chảy ra (mủ) từ một lỗ quanh hậu môn. Cơn đau có thể giảm sau khi mủ thoát ra.

    Kích thích vùng da xung quanh hậu môn do dịch thoát dai dẳng

    Sốt, ớn lạnh và cảm giác mệt mỏi (có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác).

Bạn nên gặp bác sĩ của bạn nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng này.

H. Tại sao bị rò hậu môn?

Rò hậu môn thường là hậu quả của các áp-xe hậu môn trực tràng không được điều trị đúng mức. Rò hậu môn và áp-xe hậu môn trực tràng là hai giai đoạn của một quá trình nhiễm trùng của vùng này. Áp-xe là giai đoạn cấp tính, rò hậu môn là giai đoạn mạn tính. Việc điều trị đúng áp xe hậu môn góp phần làm giảm rò hậu môn sau này.

H. Nguyên nhân gây ra rò hậu môn là gì?

Hầu hết rò là kết quả từ một áp xe hậu môn. Một số ít lỗ rò hậu môn có thể gây ra bởi các tiến trình khác như bệnh Crohn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, chấn thương, bệnh lao, ung thư, hoặc viêm túi thừa.

H. Bệnh rò hậu môn có nguy hiểm không?

Bệnh rò hậu môn có thể kéo dài nhiều tháng nhiều năm, bệnh không nguy hiểm chết người nhưng làm bệnh nhân khó chịu và phiền phức trong sinh hoạt, giảm sự tự tin của người bệnh và ảnh hưởng đến công việc.

H. Làm thế nào để chẩn đoán rò hậu môn?

Bác sĩ của bạn thường có thể chẩn đoán một lỗ rò hậu môn bằng cách kiểm tra các khu vực xung quanh lỗ hậu môn. Bác sĩ sẽ tìm một lỗ mở ra bên ngoài da (lỗ này thường có dịch chảy ra). Nếu  nhìn thấy được, bác sĩ sẽ cố gắng xác định độ sâu và hướng của đường rò.

Một số rò có thể không nhìn thấy trên bề mặt của da. Trong trường hợp này, bác sĩ của bạn có thể cần phải thực hiện các xét nghiệm bổ sung, bắt đầu với nội soi hậu môn trực tràng. Bác sĩ của bạn cũng có thể yêu cầu siêu âm hoặc MRI vùng hậu môn để xác định rõ hơn các đường rò.

Nếu một lỗ rò được tìm thấy, bác sĩ của bạn cũng có thể làm thêm các xét nghiệm để xem rò có liên quan đến bệnh Crohn…. Khoảng 25% số người mắc bệnh Crohn phát triển rò. Trong số những xét nghiệm này là các xét nghiệm máu, X-quang đường rò và nội soi.


Rò hậu môn được xếp thành 4 loại

     Gian cơ thắt (70%). Nằm giữa các cơ thắt trong và ngoài

    Xuyên cơ thắt (23%). Mở rộng qua cơ thắt ngoài vào hố ngồi trực tràng

    Ngoài cơ thắt (5%). Đi qua từ trực tràng ra da qua cơ nâng hậu môn

    Trên cơ thắt (2%). Mở rộng từ khoảng gian cơ thắt qua cơ mu trực tràng, đi ra ngoài da sau khi đi qua cơ nâng hậu môn

H. Điều trị bệnh rò hậu môn như thế nào?

Phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là lấy hết mô xơ đường rò để điều trị dứt điểm bệnh, tránh tái phát.


H. Phẫu thuật rò hậu môn có cần gây mê không, thời gian phẫu thuật bao lâu?

Phẫu thuật rò hậu môn không cần gây mê, chỉ cần tê tuỷ sống bạn hoàn toàn tỉnh táo, dĩ nhiên bạn hoàn toàn không đau trong quá trình phẫu thuật.

Khi đường rò đơn giản phẫu thuật thường dễ dàng, thời gian phẫu thuật khoảng 30 phút. Nhưng rò phức tạp mổ rất khó vì hay bị tái phát, thời gian phẫu thuật kéo dài,cần phải có bác sỹ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm.

H. Những lo lắng và giải đáp ngay sau mổ?

Sau mổ, vết thương ở hậu môn sẽ được nhét gạc và băng kín để kiểm soát chảy máu. Nó sẽ làm cho bạn hơi khó chịu,bạn có cảm giác như muốn đi tiêu. Nếu khó chịu nhiều bác sỹ có thể cho bạn thuốc giảm đaugiúp bạn đỡ khó chịu. Hôm sau bạn có thể lấy băng ra và tắm bình thường.

Sau mổ khoảng 10 giờ bạn có thể ăn uống và ngồi dậy nhưng tốt nhất bạn nênnằm tại giường cho đến khi hết hẳn ảnh hưởng của thuốc.

Ngày sau mổ, bạn sẽ được dùng thuốc nhuận trường để làm mềm phân và kích thíchđi tiêu. Có thể bạn sẽ không đi tiêu trong một hai ngày đầu. Khi đi tiêu bạn sẽ có cảm giác hơi đau và có thể chảy ít máu. Tốt nhất bạn nên dùng thuốc giảm đau 15 – 20 phút trước khi đi tiêu.

H. Sau mổ tôi cần nằm viện trong bao lâu?

Thời gian gian nằm viện sau mổ khoảng từ 1 đến 2 ngày đối với các đường rò đơn giản, đối với đường rò phức tạp thời gian nằm viện có thể kéo dài từ 5 đến 7 ngày.

H. Khi nào tôi có thể làm việc trở lại?

Bạn có thể làm việc trở lại sau 1 tuần, lúc này bạn không còn thấy đau nơi vết mổ nữa, tuy nhiên bạn cũng cần tránh đi lại nhiều hay ngồi lâu.

H. Sau mổ tôi cần ăn uống và săn sóc vết thương như thế nào?

Sau mổ bạn có thể ăn uống bình thường tuy nhiên cần chú ý ăn nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước để đi tiêu dễ không phải rặn nhiều làm đau và chảy máu hậu môn.

Sau mổ mỗi ngày bạn cần vệ sinh tại chỗ bằng cách ngâm hậu môn trong nước ấm có pha thuốc sát khuẩn hoặc pha muối, nhiều lầntrong ngày, nhất là sau khi đi tiêu. Cần có điều dưỡng chăm sóc vết mổ, thay băng hàng ngày và điều này có thể thực hiện tại nhà.

Sau mổ thường sẽ có chảy ít máu từ vết thương dính vào băng hoặc khi bạn đi cầu. Bạnkhông cần lo lắng lắm. Điều này có thể kéo dài 1 – 2 tuần. Nhưng nếu chảy máu nhiều bạn cần phảiđến bệnh viện tái khám ngay. Vết thương ở hậu môn có thể lành sau 2 đến 4 tuần tuỳ theo đường rò
đơn giản hay phức tạp.

Ths.BS Phan Thanh Tuấn

TS.BS Đỗ Minh Hùng