SỎI ỐNG MẬT CHỦ
Sỏi ống mật chủ, cũng được gọi là sỏi đường mật, là sự hiện diện của sỏi trong đường mật chính ngoài gan. Đường mật chính ngoài gan bao gồm ống gan phải và trái, ống gan chung và ống mật chủ.
H. Sỏi ống mật chủ là gì?
Sỏi ống mật chủ là sự hiện diện của ít nhất một viên sỏi mật trong đường mật chính ngoài gan. Sỏi có thể được tạo thành từ sắc tố mật hoặc các muối canxi và cholesterol.
H. Các triệu chứng của sỏi ống mật chủ là gì?
Thông thường, sỏi không gây triệu chứng trừ khi có tắc nghẽn đường mật. Các triệu chứng có thể bao gồm:
Đau vùng bụng trên rốn hoặc dưới sườn bên phải trong ít nhất 30 phút. Cơn đau có thể liên tục không đổi hoặc quặn cơn, đau dữ dội hoặc mơ hồ.
Sốt, được xem là một dấu chứng của viêm đường mật.
Vàng da và mắt, phân bạc màu, nước tiểu sậm màu (thường gặp ở sỏi ống mật chủ hơn là sỏi gan)
Ăn mất ngon
Buồn nôn và ói mửa
H. Nguyên nhân của sỏi ống mật chủ là gì?
Khoảng 15% bệnh nhân có sỏi túi mật sẽ có sỏi ống mật do sỏi từ túi mật rớt xuống. Tuy nhiên, phần lớn sỏi đường mật ở Việt nam là sỏi nguyên phát và 70-80% là sỏi sắc tố nâu (sỏi hỗn hợp sắc tố mật và lipid mật)
Sỏi nguyên phát hình thành là do sự hiện diện của vi khuẩn trong dich mật và ứ đọng mật. Ứ đọng mật có thể mắc phải (chấn thương, xơ hẹp cơ vòng Oddi, rối loạn vận động cơ vòng Oddi…) hoặc bẩm sinh (nang đường mật, Caroli…)
H. Các yếu tố nguy cơ gây sỏi ống mật chủ là gì?
Người có tiền sử sỏi mật, bệnh túi mật có nguy cơ bị sỏi ống mật chủ. Ngay cả những người đã cắt túi mật cũng có nguy cơ bị sỏi ống mật.
Một số yếu tố nguy cơ sỏi mật có thể được cải thiện thông qua thay đổi lối sống. Những yếu tố sau đây làm tăng cơ hội phát triển sỏi mật:
Béo phì
Ít chất xơ, cao calo, chế độ ăn uống nhiều chất béo
Mang thai
Ăn chay kéo dài
Giảm cân nhanh chóng
Thiếu hoạt động thể chất
Những yếu tố nguy cơ bạn không thể thay đổi bao gồm:
Tuổi: người lớn tuổi thường có nguy cơ cao bị sỏi mật
Giới tính: phụ nữ có nhiều khả năng có sỏi mật
Dân tộc: người da đỏ và người Mỹ gốc Mexico có nguy cơ sỏi túi mật cao hơn. Sỏi ống mật chủ phổ biến hơn ở các nước châu Á
Tiền sử gia đình: di truyền học có thể đóng một vai trò
H. Biến chứng của sỏi ống mật chủ là gì?
Các biến chứng có thể bao gồm:
Viêm đường mật, viêm mũ đường mật, viêm phúc mạc mật
Xơ gan ứ mật
Viêm tụy
H. Sỏi ống mật chủ được chẩn đoán bằng cách nào?
Các xét nghiệm xác định sỏi và vị trí của sỏi đường mật bao gồm:
Siêu âm bụng
CT scan bụng
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
Siêu âm nội soi
Cộng hưởng từ mật tụy (MRCP)
Chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC)
Các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng, chức năng gan-tụy:
Bilirubin
Công thức máu (CBC)
Xét nghiệm chức năng gan
Men tụy
H. Điều trị sỏi ống mật chủ bằng cách nào?
Mục đích của điều trị là làm giảm tắc nghẽn. Điều trị có thể bao gồm:
Lấy sỏi. Sỏi ống mật chủ có thể được lấy qua ERCP, qua mổ nội soi hoặc mổ mở.
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật và lấy sỏi bằng mổ nội soi hoặc mổ mở trong trường hợp sỏi ống mật chủ kèm sỏi túi mật
Các phương pháp khác
Tán sỏi ngoài cơ thể: ngày nay ít thực hiện do tỉ lệ thất bại và biến chứng cao.
Dẫn lưu đường mật tạm thời bằng stent.
H. Ngăn ngừa sỏi ống mật chủ bằng cách nào?
Thay đổi lối sống như hoạt động thể chất vừa phải và thay đổi chế độ ăn uống (tăng chất xơ và giảm chất béo bão hòa) có thể làm giảm khả năng hình thành sỏi túi mật từ đó có thể làm giảm nguy cơ sỏi ống mật trong tương lai.
H. Tiên lượng bệnh như thế nào?
Sự tắc nghẽn và viêm nhiễm gây ra bởi sỏi trong đường mật có thể đe dọa tính mạng. Hầu hết cho kết quả là tốt, nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, bệnh lý sỏi đường mật ở Việt nam thường kết hợp sỏi đường mật trong gan, việc điều trị gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Vì thế,gặp bác sĩ của bạnngay nếu bạn có:
Đau bụng, sốt hoặc không mà không rõ nguyên nhân
Vàng da vàng mắt
Có các triệu chứng khác của sỏi ống mật chủ
TS.BS Đỗ Minh Hùng